Kiểm soát chặt cơ sở gây nuôi động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Các trang trại gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) đang phát triển mạnh mẽ, được đánh giá là góp phần tích cực trong bảo tồn nguồn gen, giảm bớt áp lực sản bắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều cơ sở gây nuôi ĐVHD trở thành nơi “rửa” ĐVHD bị săn bắt trái phép trong tự nhiên. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở gây nuôi ĐVHD hiện nay.

Động vật hoang dã để trong tủ lạnh ở một cơ sở vi phạm tại Hà Nội. (Ảnh: ENV)
Động vật hoang dã để trong tủ lạnh ở một cơ sở vi phạm tại Hà Nội. (Ảnh: ENV)

Trại nuôi thành cơ sở giết mổ

Từ tháng 11/2014 đến nay, đã có 12 con gấu nuôi ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bị chết, trong đó có khi 4 con gấu chết trong cùng một buổi sáng tại 1 cơ sở. Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết: “Việc gấu chết hàng loạt đã đặt ra nghi vấn, liệu phải chăng các chủ trang trại đã cố tình giết gấu để bán? Nếu đúng như vậy thì đây là việc làm trái với quy định cấm giết mổ loài ĐVHD, vì gấu là loài bảo vệ cấp 1B. Việc chôn cất gấu phải có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng”. Hiện còn 37 con gấu tại các trại nuôi tại Hạ Long, đều trong tình trạng  bị bỏ đói, suy dinh dưỡng, mất chi, trụi lông, mình đầy vết thương…

Cách đây không lâu, 12/12/2014, đội Cảnh sát Môi trường, Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện một “lò mổ” ĐVHD tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khi lực lượng chức năng bất ngờ đến kiểm tra thì phát hiện trên nền đất có rất nhiều cá thể nhím vừa mới bị “xẻ thịt” với tim gan, lòng phèo nằm ngổn ngang. Cùng đó, tê tê, nhím và cầy bị nhốt trong những chiếc lồng sắt chật hẹp, nhiều con đã bị cho vào túi lưới sẵn sàng chuyển tới các nhà hàng. Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), chủ cơ sở trên có giấy phép trại nuôi động vật hoang dã và đây là hoạt động gây nuôi trá hình, là một “lò mổ” ĐVHD đúng nghĩa.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An) cho biết, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc được cấp giấy phép gây nuôi ĐVHD thông thường để gây nuôi trái phép ĐVHD quý hiếm, lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài ĐVHD được mua gom trái phép để kinh doanh, buôn bán.

Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD đã phối hợp với Cục Kiểm Lâm Việt Nam tiến hành cuộc khảo sát trên 78 trang trại gây nuôi tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, có 22 loài hiện đang được gây nuôi tại các trang trại, trong đó có 12 loài bị đe dọa cấp quốc gia, 6 loài bị đe dọa trên toàn cầu, 4 loài được bảo vệ ở cấp quốc gia và 5 loài có tên trong Phụ lục 1 của Công ước CITES. Thay vì hoạt động với mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại trên thực tế lại trở thành mối đe dọa đối với các loài ĐVHD trong tự nhiên.

Qua khảo sát, có tới 42% số trang trại thường xuyên nhập ĐVHD từ tự nhiên làm con giống; 50% chủ trang trại thừa nhận con giống ban đầu của họ có nguồn gốc từ tự nhiên, hoặc bao gồm cả nguồn giống từ tự nhiên và từ động vật gây nuôi có sinh sản.

Chế tài còn lỏng lẻo

Theo thống kê, Việt Nam có 4.000 cơ sở đăng ký gây nuôi ĐVHD, góp phần đáp ứng một phần nhu cầu thực tế trong nước và xuất khẩu và công tác bảo tồn nguồn gen, giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bớt áp lực săn bắt trong tự nhiên.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, vẫn tồn tại ở nhiều nơi, động vật bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được hợp pháp hóa trong các trang trại gây nuôi. Nguyên nhân chính của việc này là do những lỏng lẻo trong quản lý. “Tôi chưa thấy cơ quan quản lý nào công bố những số liệu thống kê, trong 4.000 cơ sở gây nuôi hiện nay thì cơ sở nào được cấp phép, cơ sở nào chưa, số loài nuôi tại các cơ sở ra sao, có loài nào nguy cấp hay không?”, GS. Đặng Huy Huỳnh cho biết.

GS Huỳnh nhấn mạnh thêm, hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở gây nuôi vẫn do Chi cục kiểm lâm tiến hành theo quy định tại Điều 1 về thủ tục đăng ký trại nuôi ĐVHD của Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT (gồm cả trường hợp các cơ sở gây nuôi các động vật trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ). Tuy nhiên, điều này đã được thay thế bởi Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT Quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Như vậy, phạm vi quản lý đã thu hẹp lại chỉ bao gồm động vật rừng thông thường chứ không phải toàn bộ các loại ĐVHD, nên việc quản lý gây nuôi các loài ĐVHD khác không phải là động vật rừng vẫn còn là khoảng trống và đặc biệt gây nuôi đối với loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn còn bỏ ngỏ.

Cùng với đó, mặc dù đã có quy định về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi ĐVHD nhưng vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về diện tích chuồng trại, cơ sở vật chất, chăm sóc…

Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế những vi phạm, cần tăng cường rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở gây nuôi ĐVHD hiện  nay, xem xét lại các quy định liên quan đến vấn đề này, cần có những điều chỉnh phù hợp, tránh những kẽ hở, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các chủ trang trại sai phạm, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của loài gây nuôi trong cơ sở mình. Có những hướng dẫn cụ thể về quy cách và kỹ thuật gây nuôi đối với các cơ sở gây nuôi.

“Cần phát huy vai trò của tổ chức xã hội, người dân trong việc phát hiện sai phạm về ĐVHD nói chung và cơ sở gây nuôi ĐVHD nói riêng, chính việc tuyên truyền cho người dân hiểu pháp luật về ĐVHD, lợi ích khi bảo vệ chúng thì họ sẽ là những nhà bảo tồn tốt nhất”, GS. Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.