Lệ thuộc vào than đá – Trung Quốc phải trả giá những gì?

ThienNhien.Net – 670.000 ca tử vong năm 2012 ở Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động khai thác, tiêu thụ than đá là thông tin được đưa ra trong một nghiên cứu do Đại học Thanh Hoa và Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc công bố mới đây.

Theo nghiên cứu, các chất ô nhiễm dạng hạt siêu nhỏ, đặc biệt là những hạt nhỏ hơn 2,5 microgram (được gọi là PM2.5) xuất hiện trong quá trình khai thác, sử dụng than có liên quan đến 670.000 ca tử vong năm 2012 do các bệnh đột quỵ, ung thư phổi, tim mạch vành và tắc nghẽn phổi mãn tính ở Trung Quốc.

Giáo sư Teng Fei, Đại học Thanh Hoa cho biết chi phí thiệt hại về môi trường và sức khỏe đối với mỗi tấn than được khai thác và sử dụng trong năm 2012 là 260 Nhân dân tệ (tương đương 330 đô la Hồng Kông). Con số này bao gồm 166 Nhân dân tệ/tấn cho chi phí y tế và 94 Nhân dân tệ/tấn cho các thiệt hại về môi trường do khai thác, vận chuyển than đá làm ảnh hưởng tới tài nguyên nước ngầm, sụt lún đất, tử vong và các bệnh nghề nghiệp.

Cũng theo giáo sư Teng, ước tính còn phải cộng thêm 160 Nhân Dân Tệ/tấn vào 260 Nhân dân tệ/tính toán ban đầu cho các tác động xã hội lâu dài của biến đổi khí hậu do tiêu thụ than đá gây ra.

Trong khi đó, hiện tại các đơn vị tiêu thụ than, chủ yếu là công ty nhiệt điện, sản xuất sắt, thép, xi măng của Trung Quốc, chỉ phải trả khoảng 5 Nhân dân tệ/tấn tiền phí ô nhiễm. Mặc dù, chính quyền Trung Quốc cũng có những động thái cân nhắc thay phí ô nhiễm bằng các loại thuế môi trường nghiêm ngặt hơn, nhưng việc triển khai vẫn còn chậm chạp.

“Hệ thống định giá hiện tại của Trung Quốc gần như đã thất bại trong việc phản ánh các chi phí thực sự khi chỉ thu từ 30 đến 50 Nhân dân tệ tiền thuế và phí môi trường cho mỗi tấn than” – Giáo sư Teng Fei nhấn mạnh.

Bệnh nhân bị bệnh về đường hô hấp chờ khám tại một bệnh viện ở Hàng Châu (Ảnh: Reuters)
Bệnh nhân bị bệnh về đường hô hấp chờ khám tại một bệnh viện ở Hàng Châu (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo ông Li Guoxing, Đại học Y tế Công cộng Bắc Kinh, nghiên cứu này vẫn chưa đánh giá được toàn diện tác động của việc sử dụng than đá vì chưa tính đến các chi phí y tế do ô nhiễm môi trường gây ra. Bởi lẽ, chi phí y tế được nói đến trong nghiên cứu chỉ được tính toán dựa trên các số liệu về số ca tử vong sớm, mức chi phí này còn cao hơn nếu tính cả các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác.

Nghiên cứu cho biết, trong năm 2012, hơn 70% dân số Trung Quốc sống trong điều kiện môi trường có mức độ ô nhiễm PM2.5 hàng năm cao hơn mức 35 microgram/m3 – mức tiêu chuẩn về không khí an toàn của Trung Quốc. Trong khi giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức độ ô nhiễm PM2.5 chỉ là 10 microgram/ m3. Năm ngoái, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư cũng đã chính thức xác nhận các thành phần của PM2.5 là chất gây ung thư, đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư phổi và làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Một nghiên cứu trước đó trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc The Lancet cũng đưa ra kết luận, ô nhiễm không khí gây ra 1,2 triệu ca tử vong sớm ở Trung Quốc trong năm 2010, tương đương 40% số ca toàn cầu. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Chen Zhu từng tiết lộ con số 350.000 đến 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Trung Quốc do ô nhiễm.

Hạn chế tiêu thụ than đá ở Trung Quốc thực sự là một mục tiêu vô cùng khó khăn khi gần 70% nguồn năng lượng quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu này. Nghiên cứu cũng cập nhật thông tin về những nỗ lực vận động hành lang nhằm hạn chế tiêu thụ than đá của một số chuyên gia Trung Quốc dựa trên báo cáo từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, Học viện Quy hoạch Môi trường Trung Quốc và các viện thuộc chính phủ khác.