Bẽ bàng với thủy điện

ThienNhien.Net – Hiệu quả kinh tế của thủy điện chưa rõ ràng, hiệu quả về môi trường cũng hoàn toàn không, trong khi hàng ngàn hecta rừng đã ngã xuống.

Tại hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác thủy điện diễn ra sáng 6-8, Bộ Công Thương cho biết do một số nguyên nhân như chủ đầu tư thiếu chuyên môn, nhân lực, thiết bị… nên việc quản lý chất lượng các công trình thủy điện chưa chặt chẽ. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, một số chủ đầu tư đã tự điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế nhưng không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước.

Không chống được thì phải giảm lũ tối đa

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẳng định việc thủy điện cắt lũ cho hạ du là rất khó khăn. Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng hiện nay, ngoài lưu vực sông Hồng, sông Mã thiết kế các hồ có nhiệm vụ chống lũ cho hạ du, 9 lưu vực sông còn lại đều là hồ thủy lợi, không có nhiệm vụ chống lũ. Đặc biệt, từ sông Cả đến sông Đồng Nai, tổng dung tích các hồ thủy điện, thủy lợi so với tổng dung tích lũ là rất nhỏ nên việc cắt lũ cho hạ du rất khó.

Cần xem lại hiệu quả của các thủy điện nhỏ. Trong ảnh: Thủy điện La Hiêng 2, công suất 18 MW ( Phú Yên) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xây xong Ảnh: HỒNG ÁNH Cần xem lại hiệu quả của các thủy điện nhỏ. Trong ảnh: Thủy điện La Hiêng 2, công suất 18 MW ( Phú Yên) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xây xong (Ảnh: Hồng Ánh/nld.com.vn)
Cần xem lại hiệu quả của các thủy điện nhỏ. Trong ảnh: Thủy điện La Hiêng 2, công suất 18 MW ( Phú Yên) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xây xong (Ảnh: Hồng Ánh/nld.com.vn)

“Chúng tôi đặt nhiệm vụ nếu không chống được thì phải giảm lũ tối đa. Đặc biệt với các cơn lũ lớn, các hồ phải dành dung tích phòng lũ” – ông Vĩnh cho biết.

Trước tình hình trên, lãnh đạo các địa phương tỏ ra rất lo lắng về công tác vận hành hồ đập. Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, hiện việc cảnh báo lũ cho hạ du vẫn còn thủ công, thông tin đến người dân rất khó khăn. Ông đề nghị các công trình phải có hệ thống cảnh báo hiện đại, nếu không thì khó tránh khỏi hậu quả đáng tiếc cho người dân.

Ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng cần thay đổi quan điểm chủ đạo khi xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ đập sang quan điểm đồng thuận và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Điều này nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và đời sống, sản xuất của nhân dân trong khu vực.

Trồng rừng thay thế: 10 cây chết, 1 “gật gù”

Ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả của các dự án thủy điện bởi hiệu quả môi trường rõ ràng không có, còn hiệu quả kinh tế cũng phải xem lại.

Ông Liên dẫn chứng Thủy điện An Khê – Kanak vừa rồi phải đền bù đến trên 100 tỉ đồng trong khi công suất chỉ 130 MW. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư xây dựng, thủy điện này đã làm chuyển dòng từ Gia Lai xuống Bình Định, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Ba. “Sông Ba mùa kiệt như dòng sông chết, ngay mùa mưa cũng không có nước, ô nhiễm nặng nề mà chưa có phương án giải quyết. Dòng chảy tối thiểu 4m3/giây không bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân hạ du” – ông Liên dẫn chứng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết việc trồng rừng thay thế tại các nơi làm dự án thủy điện đang khó triển khai. “Chúng tôi có 8 đơn vị đăng ký trồng rừng thay thế nhưng chưa ai thực hiện cả. Vậy có chế tài nào để ép người ta thực hiện? Mình không có quyền yêu cầu ngừng phát điện. Đây là vướng mắc về cơ chế” – ông Tiến đặt vấn đề.

Ông Lê Trọng Quảng cũng phản ánh tình trạng chủ đầu tư xin dự án cam kết sẽ thực hiện đầy đủ việc trồng rừng nhưng sau đó lại “lẩn như chạch”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết địa phương này gặp khó khăn trong việc bố trí đất cho các chủ đầu tư trồng rừng thay thế. Hơn nữa, nếu để các chủ đầu tư tự trồng thì khả năng cao là “10 cây chết, 1 cây gật gù” bởi họ không có chuyên môn. Ông Quảng đề nghị thay vì trồng rừng, chủ đầu tư chuyển tiền cho địa phương để hỗ trợ các gia đình có đất nương rẫy chuyển sang trồng rừng hoặc trồng cây ăn quả, cao su,…

Trong khi đó, ông Lâm Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng diện tích rừng mất đi không quá lớn, khoảng 19.000 ha, nên không có lý do gì không bù được. “Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư và địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hướng dẫn và có chế tài xử lý” – ông Thành đề nghị.

“Khai tử” thêm 12 dự án thủy điện nhỏÔng Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã rà soát và loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ vì hiệu quả thấp. Như vậy, hiện có 415 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch.Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát vấn đề an toàn thủy điện và chấn chỉnh các dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp. “Việc xây dựng thủy điện một số nơi còn đặt nặng lợi ích phát điện; vấn đề trồng rừng, kiểm định an toàn đập, đền bù di dân tái định cư chưa được quan tâm nên cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ để làm gương cho các trường hợp sau” – ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.