Chống ngập từ không gian điều tiết nước

ThienNhien.Net – Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh chuẩn bị trình UBND thành phố đồ án Quy hoạch không gian điều tiết nước cho cả địa bàn thành phố. Đây được coi là một trong những giải pháp chống ngập, thích nghi với biến đổi khí hậu hiệu quả và bền vững nhất.

Hai phương thức trữ nước

Phó Giáo sư, tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban Điều hành chương trình chống ngập thành phố, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp thực hiện đồ án quy hoạch này cho biết: Mục tiêu lớn nhất của đồ án Quy hoạch không gian điều tiết nước là xây dựng các công trình hỗ trợ công tác thoát nước cho hệ thống cống thoát nước hiện hữu trong hai tình huống. Tình huống thứ nhất là tạm giữ lại nước trong trường hợp mưa lớn, hệ thống thoát nước không kịp thoát nước. Ở tình huống này, có nhiều giải pháp có thể được áp dụng như xây dựng công trình “chia tải” với cống thoát nước được ưu tiên. Các công trình xây dựng trong tình huống này không phải những công trình thoát nước lớn mà chủ yếu là những công trình nhỏ, dễ xây dựng, chi phí xây lắp không cao. Thí dụ, như có thể vận động người dân, các doanh nghiệp xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà hoặc trong công sở. Bể chứa nước mưa này vừa làm chức năng chứa nước, chia tải cho hệ thống cống thoát nước, vừa có thể dùng làm nơi trữ nước mưa và người dân có thể dùng cho một số nhu cầu của mình như tưới cây, rửa xe… Nếu làm tốt cả hai chức năng, bể chứa nước mưa trong nhà dân hay trong công sở không những giúp thành phố chống ngập mà còn giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho việc sản xuất và cung cấp nước sạch đến từng hộ dân. Còn ở những khu vực không thể xây dựng bể chứa nước mưa hay những khu vực công cộng rộng lớn như công viên, sân trường, thậm chí ở một số tuyến đường, có thể bố trí dưới mặt đất những kết cấu rỗng có tính năng hút và giữ nước. Những kết cấu này đủ cứng để xe ô-tô du lịch hay xe tải nhỏ có thể đi được. Một phần nước mưa sẽ được giữ lại ở các kết cấu rỗng và khi hệ thống cống đã thoát được hết nước mưa (hoặc một phần), lượng nước trong phần kết cấu rỗng sẽ được cho thoát dần ra cống. Hàn Quốc đã áp dụng và đã rất thành công với giải pháp chống ngập này. Việt Nam có thể tham khảo bởi chi phí đầu tư kết cấu rỗng không quá lớn, khoảng 50 USD đến 100 USD/m3.

Còn ở tình huống thứ hai, thì tạm giữ lại nước trong trường hợp nước thoát ra cống nhưng lại gặp triều cường đang dâng cao, thì giải pháp được ưu tiên chọn là xây dựng các hồ điều tiết nước lớn. Theo đồng chí Hồ Long Phi, ngay trong đồ án Quy hoạch không gian điều tiết nước, những người thực hiện quy hoạch sẽ đề xuất thành phố xem xét xây dựng ngay hồ điều tiết nước tại khu vực Gò Dưa (quận Thủ Đức). Khu vực này là vùng trũng của thành phố, dân cư còn thưa thớt, đặc biệt lại là nơi thường xuyên xảy ra ngập lớn. Do đó, việc xây hồ điều tiết ở đây không những giải quyết ngập cho người dân tại chỗ mà còn giúp thành phố điều tiết nước (từ những nơi khác về) cho nhiều khu vực khác.

Một con đường ở TP.HCM bị ngập do mưa lớn (Ảnh: dangcongsan.vn)
Một con đường ở TP.HCM bị ngập do mưa lớn (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tích hợp quy hoạch

Đồng chí Hồ Long Phi khẳng định, yếu tố quan trọng để đồ án Quy hoạch không gian điều tiết nước thành công là đồ án phải được tích hợp với các đồ án quy hoạch khác, đặc biệt là đồ án xây dựng đô thị và quy hoạch giao thông thành phố. Từ sự kết hợp này, việc xây dựng không gian điều tiết nước mới có điều kiện để triển khai. Nếu trong các khu đô thị mới, ngoài hệ thống cống thoát nước, thành phố buộc chủ đầu tư phải xây dựng thêm hồ điều tiết nước và vận động người dân trong khu đô thị làm thêm bể chứa nước mưa… thì các nguy cơ về ngập khi mưa lớn hoặc mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ được giảm thiểu tối đa. Còn khi làm đường mới, bên cạnh hệ thống cống thoát nước, thành phố xem xét cho lắp đặt thêm các kết cấu rỗng chứa nước (kết cấu này có khả năng chịu tải tới khoảng 60 tấn) thì việc xử lý ngập ở đây sẽ đơn giản hơn nhiều. Đồng chí Hồ Long Phi ước tính, nếu triển khai quyết liệt, trong khoảng 10 năm tới, hệ thống hồ điều tiết, bể chứa nước, các kết cấu rỗng được lắp đặt… sẽ giúp thành phố điều tiết được khoảng 10 triệu m3 nước.

Ngập được xem là một trong những vấn nạn lớn nhất hiện nay ở thành phố. Ngập không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà còn xảy ra ngay trong mùa nắng khi triều cường lên cao. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Thế Kỷ, để chống ngập, thì ngay từ đầu những năm 2000, thành phố đã lập quy hoạch chống ngập do mưa. Sau đó khoảng 5 năm, thành phố lại xây dựng đồ án chống ngập do triều cường và lũ. Thực hiện hai đồ án quy hoạch này, từ hơn 100 điểm ngập cách nay gần 10 năm, hiện thành phố chỉ còn khoảng 30 điểm ngập. Khu vực trung tâm thành phố đã cơ bản không còn ngập do các dự án chống ngập, bảo vệ môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé đã thực hiện xong. Cũng theo ông Trần Thế Kỷ, hiện thành phố đang thực hiện dự án chống ngập và bảo vệ môi trường cho lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm. Dự kiến đến năm 2014, dự án này sẽ hoàn thành. Lúc ấy, toàn bộ lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm (gồm các quận 5, 6, 8, Tân Bình…) sẽ cơ bản giảm ngập. Riêng lưu vực Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên đang được thành phố tích cực tìm nguồn vốn nạo vét, khơi dòng, làm cống thoát nước… Quy hoạch không gian điều tiết nước ra đời được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm các giải pháp chống ngập cho thành phố, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt.