Cử tri bất bình về y đức, ô nhiễm, thủy điện

ThienNhien.Net – Tối qua 20/10, bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (khai mạc sáng nay 21/10) đã được Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam công bố. Chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Quy định chặt chẽ khi thu hồi đất

Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai, cử tri và nhân dân bày tỏ mong muốn Quốc hội lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa; những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta cần tiếp tục được khẳng định như: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý…

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị là vấn đề thu hồi đất. Cử tri và nhân dân tán thành cao quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế – xã hội, còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình, vì vậy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất.

Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Làm rõ trách nhiệm về thủy điện, y đức

Cử tri và nhân dân cho rằng, đời sống nông dân gặp khó khăn do thu nhập rất thấp, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa; một số nơi có hiện tượng nông dân bỏ ruộng. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, hiệu quả hơn cho nông dân như cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả và thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Năm 2014 cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả…

Đặc biệt, với thiệt hại nặng nề của đồng bào miền Trung trong cơn bão số 10, 11 vừa qua, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ TN-MT và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm tăng cường công tác bảo vệ rừng, công tác thủy lợi và phòng chống lụt bão. Cần quản lý chặt chẽ và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện, nhất là ở khu vực miền Trung, tránh tình trạng người dân vừa phải chịu bão, lũ vừa phải chịu ảnh hưởng do xả lũ gây úng ngập; nâng cao năng lực dự báo sớm bão, lũ và các hiện tượng thiên tai khác để kịp thời ứng phó.

Các vụ việc nổi cộm của y tế trong thời gian qua như vụ “nhân bản” xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội); việc sử dụng vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương… đã được cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Mạnh tay với tham nhũng, lãng phí

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri và nhân dân cho rằng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.