Học tiếng chim để bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Hàng chục năm nay, anh Trương Cảm, thôn Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã theo dõi, bảo vệ nhiều loài chim ở vườn quốc gia Bạch Mã, ngoài ra, anh còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cả khu rừng quốc gia rộng lớn được bảo vệ và ngày càng xanh tươi. Tất cả nhờ vào biệt tài “có một không hai” của anh: “Nói” được ngôn ngữ của hơn 200 loài chim.

Từ sở thích cá nhân

Anh Cảm kể rằng từ nhỏ đã vào rừng làm rẫy nên thân thuộc với cuộc sống hoang dã. Thích nghe chim hót từ nhỏ nên anh thường tập hót theo, lâu ngày thành thói quen có thể “hót” theo như chim, có thể “điểm danh” từng loài chim qua tiếng hót.

Tuy nhiên, để hiểu được “tiếng” các loài chim là vô cùng khó khăn. Bởi, chỉ riêng một giống chim đã có đến hàng chục giọng hót khác nhau như: tiếng chim đực, chim cái, tiếng gọi bầy đi ăn, tiếng báo kẻ địch, tiếng gọi tình nhân… Ngoài ra, phải tinh ý lắm mới nhận thấy được: Tiếng chim gọi nhau đi ăn thường gấp gáp, nhanh, kéo dài từng quãng. Khi có kẻ địch tiếng chim trở nên thất thanh, kêu theo từng nhóm, vừa kêu vừa bay nháo nhác nhằm báo cho đồng loại biết”.

Để hót được tiếng chim như thật, ngoài việc điều chỉnh được âm lượng của giọng, người tập hót còn phải có đam mê thực sự và kiên trì . Theo anh, không thể “ngày một ngày hai” mà hót được như chim, trước hết phải tìm hiểu kĩ tập tục sinh hoạt của từng loài chim, chú ý lắng nghe và hót theo là phương pháp tập luyện hiệu quả nhất. Với niềm đam mê này, hiện nay anh đã có cả một gia tài, với khả năng hiểu và bắt chước được tiếng hót của hơn 200 loài chim trong tổng số 358 loài chim sinh sống tại vườn quốc gia Bạch Mã. Người ta gọi anh là “vua chim” quả không sai.

Anh Cảm tâm sự: “Với tôi Bạch Mã là tất cả” (Ảnh: Xa lộ pháp luật)
Anh Cảm tâm sự: “Với tôi Bạch Mã là tất cả” (Ảnh: Tiền Phong)

Đến công tác bảo vệ rừng

Được giao nhiệm vụ canh giữ rừng quốc gia Bạch Mã, với diện tích 37.487 ha, trải dài trên 3 huyện: Huyện Phú Lộc và huyên Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đông Giang thuộc tỉnh Quảng Nam, anh Cảm luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, với lực lưởng mỏng, chỉ có khoảng 10 người thì khó lòng mà canh giữ được một diện tích rừng rất lớn nơi đây. Không đủ người để canh tác mọi lúc, mọi nơi thì làm sao có thể bảo vệ rừng? Câu hỏi đó luôn làm anh trăn trở.

Anh Cảm nói: “Bạch Mã là tất cả”. Chính vì vậy, bằng mọi giá anh phải giữ rừng mãi xanh. Từ suy nghĩ đó “vua chim” Trương Cảm đã mạnh dạn đổi mới công tác tuần tra, bảo vệ rừng của trạm – “tuần tra theo tiếng chim”. Lúc đầu nhiều người thắc mắc bởi công việc có vẻ “kì quặc” của anh nhưng khi đã rõ chuyện thì ai nấy đều trầm trồ thán phục về hiệu quả.

Tuần tra theo tiếng chim có nghĩa, mỗi lần đi tuần đến đâu chỉ cần hót “nhái” tiếng chim sống ở đó, nếu có tiếng chim trả lời chứng tỏ rừng bình yên, không có lâm tặc. Chính vì vậy mà anh luôn nhắc nhở mọi người trong trạm chú ý tìm hiểu những đặc tính loài và tiếng hót của các loài chim sống ở các khu vực khác nhau trong rừng, từ đó nhận biết được những dấu hiệu lạ, báo động những xâm hại bất lợi đến rừng – nơi sinh sống của các loài chim. Khi tuần tra, nếu phát hiện những khu vực có nghi vấn anh sẽ cho lực lượng mai phục, tăng cường tuần tra, chuẩn bị mọi lực lượng và trang thiết bị cần thiết để ứng phó kịp thời nếu xảy ra tình trạng xâm hại rừng.

Tâm huyết với công việc giữ rừng, Trạm trưởng Trương Cảm đã tận tình bày vẽ, hướng dẫn các anh em trong đội tập hót tiếng chim để áp dụng “phương pháp” mới vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ai cũng nghĩ tập hót tiếng chim chỉ để cho vui, nhưng không phải vậy, nắm bắt được tập tính từng loài chim sẽ rất có ích trong công tác bảo vệ rừng. Đảm bảo hiệu quả công việc trong hoàn cảnh hạn chế nhân lực như hiện nay.

Người dân địa phương và những đồng đội của anh Cảm đều ghi nhận, nhờ tình yêu với rừng, cùng với biệt tài hiểu tiếng chim mà anh Cảm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ rừng quốc gia Bạch Mã.