Khai thác vàng gần 2 năm, nợ thuế và phí gần 180 tỷ đồng

ThienNhien.Net – Được cấp phép chính thức vào ngày 30/6/2011 và bắt đầu đi vào khai thác từ ngày 28/11/2011, nhưng tổng số nợ thuế và phí bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát hiện lên tới gần 180 tỷ đồng, trong đó riêng phí bảo vệ môi trường chiếm hơn 170 tỷ đồng.

>> Sông Năng giờ đã… băng hà

Sông Năng bị đào xới tan hoang để khai thác vàng (Ảnh: Hoàng Chiên)
Sông Năng bị đào xới tan hoang để khai thác vàng (Ảnh: Hoàng Chiên)

Theo thông tin từ ông Hứa Đình Bích, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn, Công ty Nguyên Phát được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại Bản Nghiềng – Vằng Ma, xã An Thắng, huyện Pắc Nặm theo Quyết định số 1150/GP-UBND ngày 30/6/2011. Tổng diện tích khai thác 43,3ha, công suất 350.000 tấn/năm (tương đương 45,5kg vàng/năm), thời gian khai thác trong 3 năm, trong đó một năm dành cho xây dựng cơ bản và đóng cửa mỏ.

Ngày 28/11/2011, Công ty bắt đầu đi vào khai thác. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2013, doanh nghiệp mới nộp được gần 5 tỷ đồng (trong đó hơn 4,1 tỷ đồng là tiền thuế các loại và hơn 835 triệu đồng tiền phí bảo vệ môi trường) trong tổng số gần 180 tỷ đồng tiền thuế, phí phải nộp.

Ông Hoàng Kim Hồng, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm

Trước tình trạng nợ đọng của doanh nghiệp, Cục thuế tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Ngày 19/12/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Thông báo số 158/TB-UBND, yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2012 Công ty Nguyên Phát phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định. Nếu quá thời hạn, các cơ quan liên quan sẽ tham mưu hướng xử lý cụ thể.

Thực hiện tinh thần Thông báo 158/TB-UBND, Chi cục Thuế huyện Pác Nặm đã nhiều lần đôn đốc Công ty thực hiện quyết toán, thậm chí mời cả doanh nghiệp lên làm việc. Song, theo đại diện Công ty, do quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đơn vị không thể thực hiện kế hoạch nộp thuế theo quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Hữu Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Pác Nặm cho biết: “Tôi đã báo cáo tình hình nợ thuế, phí của Công ty Nguyên Phát lên huyện, tỉnh và đề nghị cần có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành. Nếu doanh nghiệp vẫn không nộp thì chỉ còn cách thu hồi giấy phép hoặc nếu họ phá sản thì Cảnh sát kinh tế sẽ phải vào cuộc”.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Kim Hồng, Bí thư Huyện ủy Pác Nặm cũng thẳng thắn: “Huyện đã nhiều lần mời Công ty Nguyên Phát lên làm việc nhưng họ cứ nói tháng sau nộp, rồi lại đưa ra lý do không có vàng để trì hoãn. Ban Thường vụ huyện đã kiến nghị nhiều lần với tỉnh, thứ nhất là thu, thứ hai là hoàn thổ… Nếu thời gian tới, đơn vị vẫn không nộp thì tôi sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc”.

Được biết, ngày 18/5/2013, Công ty Nguyên Phát đã đệ trình Công văn số 08/CV-TC lên UBND tỉnh, trình bày lý do chậm trễ nộp thuế, phí là do quá trình khai thác không thuận lợi, sản lượng quặng khai thác và sản phẩm khai thác không đạt như mong muốn, cộng thêm địa hình khai thác khó khăn, mưa lũ triền miên, bản thân mỏ An Thắng lại đã từng bị người dân khai thác trái phép hơn 10 năm trước đó nên sản phẩm thu hồi được rất thấp so với kế hoạch.

Ông Hứa Đình Bích, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn

Cũng tại công văn này, Công ty đề nghị được nộp thuế theo sản lượng khai thác thực tế và được nộp phí bảo vệ môi trường theo mức quy định tại thời điểm cấp giấy phép là 10.000 đồng/tấn quặng.

Lý giải về đề nghị của doanh nghiệp, ông Hứa Đình Bích, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tại thời điểm đơn vị tiến hành khai thác, mức thu tối đa phí bảo vệ môi trường đối với quặng khoáng sản được quy định là 10.000 đồng/tấn – thực hiện theo Nghị định số 82/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, cả hai Nghị định nêu trên đều đã bị thay thế bởi Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, và theo Nghị định mới này, mức thu tối thiểu phí bảo vệ môi trường đối với quặng vàng được quy định là 180.000 đồng/tấn, mức thu tối đa là 270.000 đồng/tấn, tức gấp 18 đến 27 lần so với mức thu cũ.

“Sự chênh lệch đáng kể trong mức thu này là một trong những điểm khiến doanh nghiệp khó thích ứng, nhất là khi bên cạnh phí bảo vệ môi trường, họ còn phải nộp hàng loạt các loại thuế khác: như thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…” – ông Bích nhận định.

Cũng theo ông Bích, Cục thuế tỉnh Bắc Kạn đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Tổng cục thuế để xin ý kiến về vụ việc này. Và theo phúc đáp tại Văn bản số 2003/TCT-CS ngày 13/6/2012 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thì việc thu thuế, phí đối với Công ty Nguyên Phát phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ, tức giữ nguyên mức thu như hiện nay.

Được biết, UBND tỉnh Bắc Kạn, Cục thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Sở Tài chính Bắc Kạn cũng đã từng xuống Bộ Tài chính làm việc về sự vụ Công ty Nguyên Phát và Bộ cũng trả lời phải thực hiện theo đúng Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, Bộ nhấn mạnh Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm “hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả”.

Ngoài Nguyên Phát, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng còn một số doanh nghiệp đang nợ đọng thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.