Thủy điện, mối lo từ người dân đến Quốc hội

ThienNhien.Net – Hiện nay, cả nước có trên 1.000 dự án thủy điện được quy hoạch xây dựng ở 36/63 tỉnh, thành phố. Tại Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết: Chỉ tính riêng 23 dự án thuỷ điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư thì số diện tích đất thu hồi đã là 85.715,1 ha với 188.520 khẩu/38.554 số hộ dân phải di dời tái định cư.

Một công trình thủy điện đang trong quá trình xây dựng (Ảnh: ThienNhien.Net)
Một công trình thủy điện đang trong quá trình xây dựng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tái định cư: Đa phần người dân gặp khó khăn 

Các dự án thủy điện ở nước ta chủ yếu nằm ở vùng thượng lưu, trung lưu của lưu vực sông, thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có phong tục tập quán canh tác, văn hóa truyền thống đa dạng và đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Đúng là thủy điện đã lấy một diện tích rừng khá lớn Các dự án thủy điện đã sử dụng một diện tích rừng khá lớn để phục vụ cho làm hồ, cho các công trình thủy điện và theo quy định thì lấy bao nhiêu diện tích đất rừng, phải trồng bù lại chừng đó.

Đây là theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trên thực tế thì đúng là việc thực hiện còn rất hạn chế, trong số hơn 20.000 ha cần phải trồng bù thì tỷ lệ trồng rất ít.

Có 2 nguyên nhân, thứ nhất là một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc trong việc thực hiện, vấn đề này. Nhưng nguyên nhân thứ hai là quỹ đất để cho các chủ đầu tư này có thể trồng rừng hoặc phối hợp với địa phương trồng rừng bù lại ở nhiều nơi không đủ quỹ đất.

Chính vì vậy, vừa qua, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, chúng tôi có kiến nghị với Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế là ở những địa bàn có dự án triển khai nhưng không có quỹ đất để trồng rừng có thể tìm quỹ đất khác thay thế, cũng ở trên địa phương đó nhưng nằm ở địa bàn khác.

Nếu như quỹ đất trồng rừng tập trung không có thì có thể giao kinh phí trồng rừng bổ sung đó cho địa phương để người ta phân bổ trồng rừng phân tán, bù lại diện tích đất rừng đã bị mất.

Trong số các công trình thủy điện đó, có 47 dự án thủy điện vừa và lớn (trên 50MW) với tổng công suất là 12.320 MW đã đầu tư xây dựng và đi vào vận hành; 18 dự án công suất khoảng 3.450 MW đang thực hiện đầu tư xây dựng. 

Theo báo cáo của các cơ quan có liên quan, UBND một số tỉnh, thành phố và khảo sát thực tế tại một số địa phương, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định: “Tình hình sản xuất và đời sống của người dân vùng tái định cư ở một số công trình thủy điện còn gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng người dân ở vùng tái định cư còn thiếu đất sản xuất hoặc đất xấu khó canh tác còn xảy ra ở một số địa phương. Có nơi việc bố trí đất sản xuất quá dốc, hệ thống cấp nước không ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân; có nơi việc xây dựng nhà ở không phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, người dân tự di chuyển đến nơi ở khác”.

Báo cáo này cũng cho thấy, nhìn chung, cuộc sống của đa số người dân đến nơi ở mới vẫn còn nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng tại một số khu tái định cư chưa phù hợp với đặc điểm, tập quán sinh hoạt của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; các công trình công cộng ở nhiều khu tái định cư còn thiếu, chưa đồng bộ, có nơi chưa đầu tư kịp thời cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá…

Chất lượng xây dựng công trình nhà ở khu tái định cư nhiều nơi thấp, công tác bảo trì chưa được quan tâm dẫn đến xuống cấp nhưng không được khắc phục sửa chữa. Cá biệt, có trường hợp việc thu hồi đất, cấp đất ở, đất sản xuất còn rất chậm…

Vẫn vướng dù đã… nhiều chính sách 

Để bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của người dân, Chính phủ, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Đối với các dự án quan trọng quốc gia như: dự án Thủy điện Tuyên Quang, dự án thủy điện Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định riêng về bồi thường, di dân tái dịnh cư cho từng dự án.

Cái khó là ở chỗ việc di dân tái định cư là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong khi đó, hầu hết các địa phương không còn đất chưa sử dụng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp để bố trí tái định cư, tái định canh cho người dân còn nhiều khó khăn. Đất rừng nghèo kiệt đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng lại có chất lượng thấp, diện tích hẹp, một số nơi đất sườn dốc, bạc màu, xa nguồn nước khó canh tác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định, việc giải quyết đất sản xuất cho người dân tái định cư có nơi còn chậm; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động còn bất cập, có nơi tổ chức đào tạo nghề không bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương; công tác khuyến nông, khuyến lâm có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc lồng ghép các đề án chương trình mục tiêu trên địa bàn tại một số nơi còn chưa được thực hiện.

Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư còn chậm, chưa đồng bộ, chất lượng thấp, chưa phù hợp với đặc điểm, tập quán sinh hoạt của người dân và chưa có cơ chế cụ thể về quản lý sử dụng, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng các khu dân tái định cư.

Vì các dự án thủy điện, người dân phải di dời, bỏ lại mảnh đất cha ông, nhưng những bất cập này đang làm cho cuộc sống của hàng vạn hộ dân bị đảo lộn, không biết đến lúc nào mới trở lại ổn định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: 

Những sự cố công nghiệp rất dễ gây ra thảm họa  

Thực tế trong những năm qua, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, Quốc hội thường xuyên hỏi thăm về vấn đề an toàn đập thủy điện, không có kỳ họp nào là không có báo cáo về thủy điện. Năm nay Bộ Công thương vừa có báo cáo liên quan tới thủy điện.

Cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng cũng có một báo cáo về chương trình kiểm tra tất cả các công trình xây dựng thủy điện, an toàn hồ, đập thủy điện.

Sang năm, Chính phủ lại đang lấy ý kiến ĐBQH về việc thực hiện công tác giám sát về thủy điện. Như vậy, thực tế an toàn thủy điện đã được tất cả các cấp từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ ngành quan tâm.

Các địa phương vừa rồi cũng rà soát lại các quy hoạch thủy điện thuộc diện quản lý của mình (tức là các thủy điện nhỏ và vừa).

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp làm gian, làm ẩu thì ở đâu cũng có, nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra kiểm soát thì nó vẫn có thể xảy ra.

Cái chính là chúng ta phải phát hiện trước được những cái đó để tránh xảy ra những thảm họa. Những sự cố công nghiệp rất dễ gây ra các thảm họa; nếu không thường xuyên kiểm tra, đến khi đã xảy ra sự cố thì không còn điều kiện để sửa chữa nữa.