Căng thẳng “cuộc chiến” nguồn nước

ThienNhien.Net – Về việc hàng trăm người dân ở Đăk Nông phải chặn sông để lấy nước tưới cho lúa, cà phê, ngô, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi – ông Đàm Hòa Bình cho biết sẽ đề nghị Tập đoàn Điện lực VN (EVN) làm rõ.

Tổng cục Thủy lợi có nắm được thông tin hàng trăm người dân ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông nhiều ngày qua phải đắp đập chặn sông lấy nước tưới dưới chân Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah không, thưa ông?

– Vụ việc này thực ra không thuộc thẩm quyền của Bộ NNPTNT, mà thuộc thẩm quyền của các địa phương. Tuy nhiên, có thực tế là một hồ thủy điện khoảng 4-5 triệu khối nước như ở Tây Nguyên sẽ không giải quyết triệt để việc thiếu nước. Nguyên nhân là do các sông ở Tây Nguyên có lòng sâu và dốc. Vì thế, biện pháp đắp đập tạm và bơm nước như bà con triển khai là cần thiết. Thế nhưng, trước hết, nhà máy thủy điện phải ưu tiên xả nước thì bà con mới đắp đập để lấy nước và bơm được. Nhìn chung, năm nay là năm cực kỳ hạn của Tây Nguyên và miền Trung.

Miền Trung - Tây Nguyên đang đứng trước mùa khô hạn cực kỳ gay gắt (Ảnh minh họa: Dân Việt)
Miền Trung – Tây Nguyên đang đứng trước mùa khô hạn cực kỳ gay gắt (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Nông dân phản ánh, thiếu nước là do Thủy điện Buôn Tua Srah xả nước không đúng cam kết. Ông có làm rõ việc này?

– Tôi sẽ nắm lại sơ đồ lịch xả nước của EVN. Nếu đúng như nông dân phản ánh, chúng tôi sẽ có công văn yêu cầu EVN thực hiện đúng lịch xả. Ngoài ra, tôi sẽ nắm thêm thông tin ở Sở NNPTNT Đăk Nông để phối hợp cùng giải quyết.

Ở miền Bắc, việc điều tiết xả nước của thủy điện, Bộ NNPTNT và EVN xử lý tốt nhưng ở miền Trung, Tây Nguyên thì sự phối hợp chưa rõ nét. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

– Bộ NNPTNT chỉ phối hợp quản lý các hồ lớn ở phía Bắc, còn các hồ nhỏ ở Tây Nguyên là do địa phương quản lý. Tuy nhiên, khi họp hội nghị chống hạn ở miền Trung – Tây Nguyên trước tết, chúng tôi đã đề nghị các địa phương khi xảy ra khô hạn cần báo cáo ngay với Tổng cục Thủy lợi để Tổng cục trao đổi với EVN. Một nhà máy thủy điện không thể quyết định được việc điều tiết nước mà phải điều tiết theo sơ đồ phát điện của EVN. Vì thế, muốn thay đổi phải có kế hoạch trước, không thay đổi được ngay.

Việc người dân thiếu nước ở khu vực này đã kéo dài hơn 1 tháng nay. Nếu 1 điểm mà phải đợi đến cấp Bộ đề nghị sẽ rất lâu có nước. Trong trường hợp các nhà máy không xả theo đúng cam kết, liệu có chế tài nào xử lý?

– Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đã có quy định lưu lượng nước tối thiểu nhưng thực tế thực hiện vẫn chưa thống nhất. Về chế tài xử lý khi các đơn vị vi phạm cũng chưa có. Luật Tài nguyên nước mới ban hành cũng chưa có nghị định quy định về điều này. Việc này nếu chúng ta không xử lý sớm thì có thể “cuộc chiến” về nguồn nước sẽ còn căng thẳng.

Vậy có biện pháp nào để nông dân có nước sớm hơn?

– Chỉ có cách nhắc nhở các nhà máy thủy điện thực hiện đúng cam kết. Chính quyền tỉnh, huyện phải có văn bản gửi cho các nhà máy thủy điện vì đó là tài nguyên của tỉnh đó. Không giống như ở miền Bắc, Tây Nguyên có nhiều nhà máy thủy điện tư nhân, BOT và cả của EVN, nếu địa phương và nhà máy phối hợp không tốt sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân trên địa bàn. Cấp trung ương không thể xử lý hết việc đó. Có thể, trong 1 tháng qua, do tập trung xả 4 hồ thủy điện lớn ở phía Bắc nên EVN phải dừng ở phát điện và xả nước ở các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên để tiêu thụ điện ở miền Bắc.

EVN có báo cáo việc đó?

– Không thấy họ báo cáo. Tuy nhiên, ngay cả khi việc đó xảy ra (phát điện ở miền Bắc, dừng các nhà máy ở Tây Nguyên – PV), trong tình huống cực kỳ khô hạn cũng cần phải xả nước.

Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Hữu Thuần – Phó cục trưởng cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường): EVN phải chịu trách nhiệm

Rất cảm ơn Báo NTNN đã phản ánh sự việc thuộc quyền quản lý của chúng tôi. Trên địa bàn từng địa phương sẽ có những cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước kiểm tra và quản lý vấn đề này, tuy nhiên đến thời điểm này chúng tôi chưa thấy địa phương phản ánh lên. Nếu như Thủy điện Buôn Tua Srah không thực hiện đúng với cam kết xả nước khiến cuộc sống và sản xuất của người dân gặp khó khăn thì đơn vị quản lý thủy điện đó (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – PV) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những tổn thất của người dân. Nếu cam kết có tính pháp lý, chúng ta có thể đưa ra pháp luật, trước hết là ở cấp địa phương để xử lý. Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ xem xét, tìm hiểu rõ và xử lý ngay sự việc trên nếu đúng như phản ánh của người dân, của cơ quan báo chí.

Đình Thắng

Ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN): Sẽ kiểm tra và đánh giá ngay

Việc Thủy điện Buôn Tua Srah chặn dòng làm cho người dân thiếu nước là có. Nhưng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà thời điểm này các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng rất khó khăn về nước. Mặc dù đã chủ động, tích cực song đến thời điểm này mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể, hồ Thủy điện Buôn Tua Srah chỉ đạt 480,73/487m (tính đến thời điểm 31/12/2012)… Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường năm nay lên tới 5,297 tỷ m3. Do vậy, từ rất sớm EVN đã đề nghị Bộ NNPTNT tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống hạn, đảm bảo sản xuất, sử dụng nước hiệu quả trong 3 đợt xả nước tập trung, không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước từ các hồ thủy điện ngoài 3 đợt xả nêu trên. Việc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cam kết sẽ xả nước với lưu lượng 62 m3/s trong 11,6 giờ mỗi ngày nhưng chỉ xả nước khoảng 8-9 giờ với lưu lượng nước khá thấp, EVN sẽ kiểm tra, đánh giá. Nhưng nguyên tắc chung là các hồ thủy điện chỉ có thể xả lượng nước tối đa có thể, còn lại phải để duy trì hoạt động của nhà máy.

Mai Hương