Người dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ: Không còn đói nhưng rất khó làm giàu

ThienNhien.Net –  Không có đường giao thông, không có điện thắp sáng, không có chợ và không có sóng liên lạc là thực trạng đang diễn ra tại 5 xã đặc biệt khó khăn (Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn, Lượng Minh, Tam Hợp) thuộc vùng ven lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, Nghệ An, khiến đời sống người dân bị kìm hãm trong vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Để xử lý tận gốc vấn đề này, huyện Tương Dương đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chọn mũi đột phá là phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, chọn khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng và chế biến sản phẩm để mục tiêu thoát nghèo không còn quá xa xôi.

Xóm tự phát trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An (Ảnh: Tiền Phong)
Xóm tự phát trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An (Ảnh: Tiền Phong)

Ghi ở xã nghèo nhất huyện

Được ví như “ốc đảo” giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, cách trung tâm huyện Tương Dương 70km, để đến được xã Hữu Khuông, phương tiện duy nhất mà người dân sử dụng là thuyền. Hơn 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước mênh mông mới có thể cập bến đến với xã Hữu Khuông. Nơi đây, thời tiết giá rét kéo dài, còn nắng nóng thì gay gắt làm cho đời sống và việc buôn bán, sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn.

Hữu Khuông được biết đến là xã cỏ tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, có 554 hộ thì có đến 520 hộ là hộ nghèo, chiếm 93,86% số hộ trên địa bàn. Vì không có đường, không có chợ nên không có giao thương, trao đổi buôn bán, hầu hết bà con chủ yếu tự cung tự cấp. Cũng không có điện nên bà con phải dùng đèn dầu hoặc nhà nào “khấm khá” hơn thì có máy chạy thủy điện nhỏ chỉ đủ thắp sáng một bóng đèn Compac, nước sinh hoạt cũng phụ thuộc vào nguồn khe suối chảy về.

Toàn xã có 7 thôn bản phân bố không đồng đều, bản này cách bản kia từ 4-7km, có những bản từ trung tâm xã đến bản phải đi bộ mất nửa ngày trời. Thông tin liên lạc giữa cơ quan đến các thôn bản không có nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chậm được triển khai. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã đều từ cán bộ bản đôn lên chưa được đào tạo bài bản nên ảnh hưởng đến công tác điều hành, quản lý, định hướng đi cho bà con.

Thực trạng là vậy, từ khi có chương trình 30a, các dự án đầu tư của tổ chức phi Chính phủ, Ủy ban nhân dân xã Hữu Khuông đã tập trung xây dựng kế hoạch, phân công các tổ tham mưu giúp Ban quản lý các thôn bản thực hiện chương trình như khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích ao cá, tập trung chỉ đạo trồng rừng, trồng cỏ. Tập trung tuyên truyền nhân dân tham gia các dự án áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống cho nhân dân. Phối kết hợp với các Ban nông nghiệp và Phòng nông nghiệp huyện tập huấn cho các thôn bản về cách nuôi vịt bầu và làm mô hình trồng chuối, tiêu hồng.

Giờ đây, Hữu Khuông đã phần nào có sự đổi khác, một luồng sinh khí mới khi người dân bắt đầu bắt tay vào chăn nuôi gia súc và trồng trọt – hướng đi mới mà huyện xác định để đưa Hữu Khuông từng bước thoát nghèo. Đến thăm mô hình nuôi cá lồng bè của ông Moong Văn Quân, bản Con Phen khi ông cùng 4 hộ gia đình khác trong bản đang thay nhau chăm sóc các loại cá lăng, cá trắm đen chờ ngày thu hoạch.

“Trước đây gia đình chỉ biết phát nương làm rẫy, thi thoảng có đi đánh bắt cá trên sông để làm lương thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ khi được các tổ chức, chính quyền địa phương hỗ trợ nuôi cá lồng, tạo cần câu cho chúng tôi sinh sống, chúng tôi thấy thực sự quý giá, nay tôi cũng như các gia đình còn lại đang chờ đợi ngày gặt hái thành quả của mình”, ông Quân nói.

Đây là một trong 4 mô hình nuôi cá lồng được thực hiện thí điểm trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ do tổ chức Otxpam Hồng Kong tài trợ thông qua huyện đoàn Tương Dương với tổng số vốn đầu tư 15.000USD. Các hộ dân khi tham gia vào mô hình này được hỗ trợ giống, làm lồng, vật tư và sự hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc nuôi cá của cán bộ có chuyên môn.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi lợn đen cũng đang được đánh gía cao bởi tính hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Ông Lộc Văn Phúc, bản Pủng Bón được đầu tư 2 con lợn đen giống, sau khi chăm sóc trong quá trình phát triển sẽ nhân giống ra và được chuyển giao, chuyển sang hộ gia đình khác. Cũng tại xã Hữu Khuông, mô hình nuôi vịt bầu với quy mô 600 con ở bản Con Phen, mô hình nuôi nhím cũng đang phát triển tốt; mô hình lúa thuần NA2 ở bản Pủng Bón với 25 hộ tham gia đang hứa hẹn mùa bội thu.

Hiện nay Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam nhận hỗ trợ xây dựng ký túc xá cho học sinh, xây dựng lại trường học, hệ thống nước sinh hoạt, ký túc xá giáo viên cho xã Hữu Khuông, hiện đang trong giai đoạn lập dự toán kỹ thuật.

Vui mừng nhất hiện nay, sắp tới đây người dân xã Hữu Khuông lần đầu tiên sẽ được đi trên con đường đất mà không phải lưu thông bằng phương tiện thuyền như hiện nay. Đoạn đường có tổng vốn 695 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, do Tổng Công ty 36 Bộ Quốc Phòng thi công từ tháng 6/2011 đến nay, dự kiến tháng 3/2013 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 thông đường từ UBND xã Yên Tĩnh đến UBND xã Hữu Khuông. Đoạn đường dài 41km, đường cấp 6 miền núi. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ nối từ bản Xàn đến trung tâm xã Hữu Khuông sẽ hoàn thành năm 2015.

Huyện, xã huy động sức dân để làm con đường đất, mặt đường rộng 2,5m để xe máy đi được từ bến sông vào bản Huồi Pủng, dự kiến cuối tháng 2/2013 sẽ hoàn thành. Hai con đường này sẽ tạo điều kiện cho bà con dân bản Thái, Khơ Mú, Hơ Mông đi lại thuận tiện hơn, giao lưu, trao đổi buôn bán, mở thêm ngành nghề dịch vụ, cũng từ đó điện lưới quốc gia sẽ được kéo về…

Phấn đấu giảm nghèo 3-4%/năm

Đó là mục tiêu mà huyện đặt ra cho các xã đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 81-93,86%. Bởi vậy, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xóa “4 không” đang được huyện ra sức thực hiện.

Xác định việc xây dựng các mô hình kinh tế, nhất là các loại sản phẩm đặc sản của địa phương là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện Tương Dương phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình ở cơ sở. UBND huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể cấp huyện như Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội làm vườn chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế theo hệ thống ngành dọc.

Ban Thường vụ huyện ủy đã phân công các đồng chí huyện ủy viên, trưởng phòng ban, ngành cấp huyện mỗi đồng chí phải chỉ đạo, xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế tại đây đồng thời khuyến khích đảng viên đầu tư kinh phí xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Phấn đấu mỗi năm mỗi xã có thêm 2-4 mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Mô hình trồng Ngô lai trên đất dốc, thâm canh lúa nước, trồng bí xanh, trồng khoai sọ được đưa vào triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn. Đây là những loại cây dễ trồng, dễ thu hoạch, năng suất cao, chất lượng tốt, cho thu nhập cao, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo nhanh.

Qua khảo sát ban đầu, việc thực hiện các mô hình bước đầu đã thay đổi ý thức và giúp người dân chuyển đổi nhận thức, hành động, từ việc vào rừng hái măng, lấy củi để bán, trồng rau tự cung tự cấp nay sang trồng rau hàng hóa. Bình quân các hộ dân có thu nhập từ các loại cây trồng trên khoảng 15-30 triệu đồng/năm,góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, mô hình phát triển chăn nuôi lợn đen địa phương, chăn nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi lợn rừng, nuôi gà thả vườn được thực hiện theo chương trình 30a, dự án OHK, ngân sách huyện theo phương thức quay vòng con giống (sau lứa đẻ thứ nhất các hộ trả lại 1 con lợn/bò giống tương đương con giống khi được cấp để cho hộ nghèo khác vay. Từ gần 500 con lợn, bò giống hỗ trợ ban đầu, nay đàn lợn, bò đã tăng lên gần 600 con, từ 50 con gà/hộ nay đã tăng lên 100-1.500 con/hộ, nhân rộng thêm gần 150 hộ tham gia các mô hình.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đời sống của bà con địa phương không phải là đói nghèo, họ vẫn đủ lương thực, thực phẩm và thậm chí còn có “của ăn của để” nhưng kinh tế không phát triển được. Đó là địa hình đồi núi dốc, không có đường giao thông làm cản trở việc giao thương buôn bán, đi lại, cũng từ đó việc đầu tư phục vụ cho đời sống sinh hoạt của bà con như chợ, điện sáng, viễn thông chưa được đầu tư. Bởi vậy, huyện tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện để tiêu thụ, bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị nông sản, đầu tư phát triển nghề ở nông thôn.

Để đầu tư một cách đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện đang cần hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng, song bản thân Tương Dương cũng là một huyện nghèo thuộc chương trình 30a nên chưa thể có ngay một khoản tiền lớn như vậy. “Chúng tôi chỉ biết chọn điểm, ưu tiên những xã đặc biệt khó khăn trước để đầu tư và đầu tư từng bước một”, ông Cảnh nói.

Dự kiến trong năm 2013, huyện Tương Dương sẽ triển khai một số chương trình xây dựng dân sinh như xây dựng nhà văn hóa thôn bản, bình quân một xã hỗ trợ 1 tỷ đồng/nhà văn hóa thôn bản; xây dựng cầu taị các thôn, bản quá khó khăn để phục vụ nhân dân đi lại. Huyện cùng với ngành điện lực khảo sát đường điện lưới quốc gia taị 5 xã đặc biệt khó khăn và phối hợp với Viễn thông Nghệ An lắp đặt trạm PTS tại các xã để kết nối thông tin.

Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện còn tập trung phát triển văn hóa, giáo dục, y tế cho nhân dân. Đó là xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú cho học sinh THCS các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch… Bên cạnh đó, huyện còn giao chỉ tiêu cho các hộ dân nhận khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng, tăng độ che phủ rừng, trồng cây bản địa.