Tương lai năng lượng sạch cho Cu Ba

ThienNhien.Net – Hơn một thập kỷ qua, điện năng lượng mặt trời đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều cộng đồng miền núi Cu Ba. Năng lượng mặt trời cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác đang được coi là lựa chọn tốt nhất cho mục tiêu phát triển năng lượng bền vững tại quốc đảo vùng Ca-ri-bê này.

Ông Luis Bérriz, người đứng đầu Hiệp hội Thúc đẩy Các nguồn Năng lượng Tái tạo và Tôn trọng Môi trường Cu Ba (CUBASOLAR), cho biết tổng lượng bức xạ mặt trời mà Cu Ba nhận được mỗi ngày tương đương 50 triệu tấn dầu. Theo đó, nếu tiến hành phủ những tấm pin mặt trời lên các đường quốc lộ cao tốc dài khoảng 1.000km, chắc chắn Cu Ba sẽ có đủ nguồn năng lượng cần thiết đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay dùng đến một mét vuông đất nông nghiệp nào.

Ông Luis Bérriz đang tiến hành kiểm tra một tấm pin năng lượng mặt trời (Ảnh: Jorge Luis Nanos/IPS)

Ông nhận định rằng Cu Ba nên nhanh chóng chuyển đổi từ việc sử dụng dầu sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch khác, trước hết đi từ nâng cao mặt bằng nhận thức, công nghệ cũng như chuyên môn, tay nghề cần thiết của đội ngũ lao động.

Chỉ tính riêng năm 2010, năng lượng gió, thủy điện và từ sinh khối mía đã đóng góp cho Hệ thống Điện lực Quốc gia Cu Ba khoảng 178 GWh, tương đương lượng tiêu thụ liên tục trong 4 ngày trên phạm vi toàn quốc gia và thay thế gần 46.000 tấn dầu.

Theo những con số thống kê chính thức được CUBASORLAR đăng tải trên tạp chí Energía y Tú, hiện nay, quốc gia này có 9.624 tấm pin năng lượng mặt trời, 8.677 cối xay gió, 6.447 lò năng lượng mặt trời, 554 nhà máy khí sinh học, 173 nhà máy thủy điện, 4 trang trại gió với khoảng 20 tua-bin gió và 608 lò sản xuất viên nhiên liệu sinh khối gỗ. Ngoài ra, Cuba còn có 57 máy phát điện tua-bin và 67 nồi hơi tại 61 nhà máy đường.

Để đưa Cu Ba vững vàng tiến bước trên con đường phát triển năng lượng sạch, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc ban hành những quyết sách đúng đắn nhằm hiện đại hóa và nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, quốc đảo này cần có một cơ chễ hỗ trợ cụ thể giúp đẩy nhanh hoạt động giới thiệu và sử dụng các thiết bị thay thế, hướng tới phát triển năng lượng bền vững mà không đặt gánh nặng lên chính quyền nhà nước.

Đây cũng sẽ là lựa chọn hấp dẫn, đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là động lực khuyến khích các ngành công nghiệp quốc gia sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo mới.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nhờ việc sử dụng phổ biến nguồn năng lượng từ thủy điện, Mỹ Latinh hiện đang là khu vực phát thải thấp trên thế giới với 6% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành công nghiệp và khoảng 13% từ phá rừng và sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của các nguồn năng lượng sạch, nhiều quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Brazil, Mexico, El Salvador, Nicaragua hay Cộng hòa Dominica… đã nhanh chóng tạo ra những khung pháp lý nhằm cung cấp hỗ trợ về mặt chính sách và tài chính cho kế hoạch phát triển các máy phát điện thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, nếu trong vòng 25 năm tới, ngành công nghiệp và giao thông vận tải của khu vực này vẫn tiếp tục mở rộng trong khi giải pháp đa dạng hóa các loại hình năng lượng sạch chưa được áp dụng rộng rãi, thì lượng phát thải CO2 do sử dụng năng lượng bình quân đầu người trong khu vực tăng lên tỷ lệ 33% là điều không thể tránh khỏi.