Đánh giá ô nhiễm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL

ThienNhien.Net – Năm 2011, hiện tượng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm ở ĐBSCL, đặc biệt là tại Sóc Trăng và Bạc Liêu. Một trong những nguyên nhân quan trọng được xác định là do dư lượng chất Cypermethrin có trong thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước, khiến tôm bị ngộ độc.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đã chỉ đạo các ban ngành liên quan thực hiện hiện kiểm tra, đánh giá ô nhiễm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực ĐBSCL.

Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm (Ảnh minh họa: Thủy sản Việt Nam)

Theo đó, Tổng cục Thủy Sản có trách nhiệm phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; hướng dẫn người nuôi bố trí diện tích ao chứa, cải tạo môi trường, xử lý nước thải; quản lý chặt chất lượng con giống; khuyến khích người dân áp dụng VietGap trong sản xuất thủy sản…

Với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cần phối hợp xử lý triệt để các vùng bị ô nhiễm nặng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thả tôm giống; ưu tiên bố trí kinh phí điều tra, lập bản đồ ô nhiễm, xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo rủi ro cho các vùng nuôi tôm tập trung và phân tích số liệu điều tra dịch tễ do Cục thú y cung cấp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật thống kê số lượng nhập khẩu và mức độ sử dụng hàng năm thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL để lấy đó làm cơ sở nghiên cứu tồn dư, tình trạng ô nhiễm.