Việt Nam chủ động ứng phó với ảnh hưởng phóng xạ

ThienNhien.Net – Đại thảm họa xảy ra tại Nhật Bản sau hơn một tháng trôi qua vẫn khiến cả thế giới rùng mình và rúng động vì những dư âm tàn phá khủng khiếp. Trong khi cường quốc kinh tế này đang từng ngày nỗ lực tái thiết đất nước trên những đống đổ nát hoang tàn và cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân thì các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia lân cận cũng gấp rút thực hiện các kế hoạch kiểm soát và ứng phó với rò rỉ phóng xạ. Tất cả các bộ ngành của Việt Nam cũng đã vào cuộc theo yêu cầu này, và đến nay, mức độ ảnh hưởng phóng xạ tại Việt Nam vẫn được cho là trong vòng kiểm soát.

Hàng loạt các cuộc kiểm nghiệm nồng độ phóng xạ có trong không khí, nước mưa, nước biển và thực phẩm ở Việt Nam đã lần lượt được các cơ quan, bộ ngành triển khai thực hiện. Theo kết quả kiểm tra mới đây trên 41 mẫu thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) không phát hiện bất cứ mẫu nào nhiễm các nhân phóng xạ I – 131, Cs – 137 và Cs – 134. Một số đồng vị phóng xạ tuy được phát hiện trong nước mưa và không khí nhưng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho biết, chúng có nồng độ rất thấp, với xu hướng ngày càng giảm mạnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường tại Việt Nam.

Riêng với nước biển, các nhà khoa học khẳng định, thời gian trước mắt nước biển của Việt Nam không bị nhiễm phóng xạ. Vì thế, “người dân không nên tin vào tin đồn thiếu căn cứ khoa học dẫn tới hành động sai lầm”, Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Bộ Khoa học & Công nghệ) khẳng định sau khi có thông tin người dân đổ xô đi mua muối tích trữ vì nghi nước biển nhiễm phóng xạ.

Trong khi đó, trong một động thái chủ động, Bộ Y tế đã quyết định xây dựng chương trình dự phòng nhiễm phóng xạ cho người dân dù mức độ phóng xạ tại Việt Nam chưa ở mức cảnh báo nguy hiểm, đồng thời Bộ dự kiến phối hợp với các cơ quan chức năng như Hàng không, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH… để có các phương án kiểm tra và giám sát sức khỏe toàn diện đối với các công dân Việt Nam lưu trú ở Nhật trong thời điểm nước này gặp sự cố.

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi thông tin, phối hợp với các đối tác Nhật Bản và các nước để có được các thông tin đầy đủ hơn.

Về phần mình, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai áp dụng thống nhất các biện pháp kiểm soát dư lượng phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Theo đó, việc kiểm tra được thực hiện trước khi tiến hành các thủ tục thông quan đối với các lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT rời Nhật Bản kể từ ngày 11/3. Các đơn vị thực hiện lấy mẫu với tần suất 100% lô hàng để kiểm tra mức nhiễm phóng xạ đối với các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ các tỉnh Fukushima, Gunma, Ibaraki, Tochigi, Niigata và Yamagata. Các lô hàng có nguồn gốc từ tỉnh khác của Nhật Bản thực hiện lấy mẫu với tần suất 20% lô hàng.

Xem ra các bộ, ngành đều đang dốc sức giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến phóng xạ tại Việt Nam nhằm đư a ra phương án ứng phó kịp thời, phù hợp.