Tới 2015 di dời khoảng 110.000 hộ để tránh thiên tai

ThienNhien.Net – Ngày 16/08 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác di dân, phòng tránh các thiên tai, thảm họa bất thường, với sự tham gia của các Bộ, ngành và 34 địa phương. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với các thiên tai, thảm họa bất ngờ là bố trí lại dân cư và di dân khỏi các vùng nguy hiểm. Đến 2015, phải di dời được khoảng 110.000 hộ.


Ngày càng nhiều thiên tai, thảm họa bất thường

Bên cạnh việc ứng phó với hàng chục cơn bão có thể kèm mưa, lũ mỗi năm, Việt Nam còn luôn phải đối phó với lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá, sạt lở đất…, những thiên tai bất ngờ, xảy ra liên tiếp, có sức tàn phá lớn, gây tổn thất nghiêm trọng về người, của cải, công trình hạ tầng và phá hoại môi trường sinh thái ở các tỉnh miền núi.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, từ năm 2000 đến 2009, đã xảy ra 96 trận lũ quét làm chết và mất tích 883 người, làm bị thương gần 1.500 người, hơn 6.000 căn nhà bị đổ trôi, 132.000 ha lúa màu bị hư hại, thiệt hại ước tính trên 6.000 tỷ đồng. Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất là miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

Đặc biệt trong 2 năm 2008-2009, tình hình lũ, lũ quét, sạt lở đất đã diễn ra nghiêm trọng hơn, làm chết hơn 200 người mỗi năm và xảy ra ngay tại một số khu vực có xác suất thấp như tỉnh Kon Tum, vùng Nam Trung bộ.

Ngay trong những tháng đầu năm 2010, nhiều thảm họa bất thường, nghiêm trọng về quy mô và mức độ thiệt hại cũng đã xảy ra ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới. Có thể kể đến những thảm họa “nghìn năm có một” như lở đất kinh hoàng ở Cam Túc (Trung Quốc), hạn hán khốc liệt ở Nga, lũ lớn ở Pakistan…

Các ý kiến tại Hội nghị nhất trí rằng hàng năm Chính phủ, các địa phương đã có sự quan tâm đáng kể tới việc phòng chống thiên tai bất thường, từ việc quy hoạch, bố trí lại dân cư tại các vùng xung yếu đến xử lý sạt lở, trồng rừng, đầu tư hạ tầng dự báo, cảnh báo, tập huấn, triển khai ứng phó khi thiên tai xảy ra… Tuy nhiên, nhất là các địa phương, cũng nêu ra nhiều hạn chế trong việc triển khai nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng này.

Thống kê cho thấy, các dự án di dân ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, tiến độ thực hiện trong thời gian qua là khá chậm. Trong khi đó, số lượng người cần di dời khỏi vùng có nguy cơ thiên tai từ năm 2006 đến năm 2015 nhiều gấp 8 lần so với giai đoạn 2000-2005. Nguồn vốn được bố trí hàng năm cho công tác này chỉ đáp ứng từ 30-50% nhu cầu trên thực tế.

Đến 2015, di dời 110.000 hộ dân khỏi vùng nguy cơ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề ứng phó với các loại thiên tai bất ngờ.

Vì khó cảnh báo trước, nên các cấp chính quyền phải thông suốt nguyên tắc, phương châm phòng ngừa là chính. Trong đó, việc quy hoạch, bố trí di dời dân cư khỏi các vùng nguy hiểm là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Phó Thủ tướng đặt mục tiêu từ nay đến 2015 di dời được khoảng 110.000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở ven sông, ven biển và bị lũ ống, lũ quét, đồng thời bố trí lại, ổn định 250.000 hộ dân ở các vùng bán ngập chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Các cơ quan chuyên môn địa phương phải kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng ở những nơi có khả năng xảy ra thiên tai, nghiêm cấm việc xây dựng và sinh sống tại nơi có nguy cơ cao.

Ngoài ra, cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, diễn tập và chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống, các điều kiện triển khai phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Để khắc phục tình trạng chậm trễ, thiếu vốn cho các chương trình phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê, xác định thứ tự ưu tiên của các dự án, thống nhất các dự án cấp bách, các dự án dài hạn để thực hiện cân đối đảm bảo nguồn vốn. Trong đó, ưu tiên cao nhất cho việc trồng, bảo vệ rừng phòng hộ, cải tạo các hồ chứa trong các vùng có nhiều nguy cơ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm lập bản đồ phân lũ quét và sạt lở cho các địa phương, thúc đẩy việc phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cần thống kê nhu cầu của các địa phương về trang thiết bị chuyên môn, xây dựng các mô hình “trạm đo mưa nhân dân”, mở rộng mô hình các trạm cảnh báo lũ quét tự động.