Phòng chống nắng nóng và sâu bệnh cho ngành nông nghiệp

ThienNhien.Net – Trước tình trạng nắng nóng và sâu bệnh hại lúa đông xuân, các địa phương phải có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho cây lúa. Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng và sâu bệnh hại lúa ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, ngày 11/02 tại Hà Nội.


Lo ngại đối với trà lúa xuân sớm và bệnh lùn sọc đen

Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, đến ngày 10/02, diện tích gieo cấy khoảng 200.000ha, đạt gần 40% diện tích gieo cấy. Tại một số địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… nông dân đã cấy nhiều trước Tết, chiếm khoảng 55-60% diện tích gieo cấy.

Đánh giá chung tình hình sản xuất vụ xuân 2010 của Cục Trồng trọt cho thấy, tiến độ lúa cấy tương đương với năm trước nhưng do năm 2010, Tết Nguyên đán vào trung tuần tháng 2 nên diện tích cấy trước Tết lớn hơn mọi năm. Diện tích đổ ải đã đạt trên 90%, cơ bản đủ nước cho gieo cấy hết diện tích, chỉ còn lại một vài nơi địa hình khô đang tiếp tục bơm nước vào đồng.

Mặc dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng, điều lo ngại là đối với diện tích lúa ngắn ngày cấy sớm trước 31/01/2010, hiện lúa đã bén rễ hồi xanh và đang sinh trưởng tốt, nếu nhiệt độ ấm nóng kéo dài không có các biện pháp kỹ thuật can thiệp thì lúa sẽ trỗ vào giữa và cuối tháng 4, dễ gặp đợt không khí lạnh cuối mùa ảnh hưởng tới năng suất lúa.

Trong khi đó theo nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đây sẽ là vụ xuân ấm, ít mưa và khô hạn. Từ 12/2 đến 20/2, thời tiết chuyển lạnh và rét nhưng sau đó sẽ nắng nóng trở lại. Nhiệt độ trung bình trong các tháng 3, 4, 5 sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C.

Một vấn đề khác được lãnh đạo Bộ và các tỉnh đặc biệt quan tâm là phòng chống sâu bệnh hại lúa; trong đó bệnh lùn sọc đen được cho là rất nguy hiểm bởi chưa có thuốc đặc trị cũng như còn gây nhiều tranh cãi trong việc nghiên cứu xác định nguồn bệnh lây lan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mạ trà lúa xuân sớm ở một số địa phương phía Bắc đã xuất hiện hiện tượng lúa bị lùn do virus lùn sọc đen gây ra và có nguy cơ cao xảy ra dịch hại. Ngoài ra, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên lúa do virus gây ra với môi giới truyền bệnh là rầy nâu cũng vẫn có nhiều khả năng xảy ra.

Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định lo lắng, nếu không có giải pháp lâu dài đối với bệnh lùn sọc đen thì thiệt hại sẽ rất lớn, nhất là đối với địa phương phụ thuộc tới 80% vào nông nghiệp như Nam Định.

Kéo dài thời gian sinh trưởng lúa

“Phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để làm sao kéo dài được thời gian sinh trưởng cho lúa trỗ chậm lại khoảng 10-15 ngày thì sẽ thoát được ảnh hưởng của thời tiết”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng nói.

Theo kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh từ đợt ứng phó với nắng nóng năm 2007, thời điểm an toàn nhất để lúa trỗ là sau ngày 20/04 đến nửa đầu tháng 5, vừa tránh được nắng nóng vừa tránh được gió mùa.

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng áp dụng các biện pháp hãm mạ, giữ nước, lùi thời vụ gieo cấy khoảng 300.000ha vào sau Tết âm lịch; kiên quyết không dùng mạ có từ 5 lá trở lên để cấy, nếu thiếu mạ có thể gieo mạ bổ sung trên nền cứng bằng đất bùn hoặc gieo thẳng.

Thời vụ cấy xuân muộn có thể kéo dài đến ngày 05/03, thời vụ gieo thẳng kéo dài đến 20/02. Đối với diện tích các giống lúa ngắn ngày nhưng cấy sớm trước ngày 31/01, các địa phương cần hướng dẫn nông dân duy trì đủ nước mặt ruộng từ 3-5cm, bón tăng khoảng 20-30% tổng lượng phân bón so với bình thường, tùy theo điều kiện cụ thể của thời tiết để tăng số lần bón giúp lúa tăng sinh trưởng, kéo dài thời gian trổ sang đầu tháng 5. Riêng đối với mạ xuân, trong những ngày nắng ấm hướng dẫn nông dân mở nilông trên luống mạ để cây mạ cứng.

Để phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen và các bệnh khác do virus gây hại trên lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương làm đất và vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi cấy, gieo lúa xuân; đất có trồng ngô đông cần dọn, đốt tàn dư cây ngô; thực hiện gieo mạ có che chắn rầy kết hợp với chống rét.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo xây dựng hệ thống bẫy đèn để theo dõi rầy di trú và có biện phòng trừ môi giới truyền bệnh cũng như bố trí thời gian gieo, cấy hợp lý. Các ngành chức năng giám sát chặt chẽ diện tích mạ, nếu phát hiện mạ có triệu chứng bệnh (lùn bất thường), tổ chức tiêu hủy triệt để bằng cày chôn vùi đám mạ đó, tuyệt đối không sử dụng ruộng mạ có cây lúa nhiễm bệnh để cấy. Sau khi cấy hoặc gieo, tổ chức giám sát thường xuyên nếu lúa có triệu chứng bệnh, nhổ vùi ngay cây lúa bị bệnh; trường hợp trên 20% cây lúa trong ruộng bị nhiễm, tiêu hủy cả ruộng lúa…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành điều tra diễn biến bệnh virus trên lúa, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời đến nông dân và các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp xử lý; giám sát tình hình bệnh đối với từng địa bàn cụ thể tập trung cao điểm từ nay cho đến cuối tháng 2 năm 2010.