Côn Sơn một ngày thoát tục

Giữa đỉnh Côn Sơn, trời đất trầm tư, âm âm khí núi. Những đám mây lờ lững chùng chình, nửa vấn vương ngọn cây, nửa như muốn ngắm người phàm trần đang ngẩn ngơ trước cảnh sắc nơi này. Trí tưởng tượng huyền hoặc trong không gian lãng đãng hương khói của cổ nhân, mới cảm nhận được vì sao người xưa tìm đến đây ẩn mình, tránh xa những ô tạp phồn hoa đô hội…

Những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên đem khí lạnh tràn xuống cả một miền châu thổ sông Hồng, báo hiệu mùa thu nói lời chào tạm biệt. 


Không khí thời khắc giao mùa hay làm con người chòng chành, vui vui, buồn buồn bất chợt, lại thêm cái ồn ào vật vã của đời thường như một cái hồ lô nút chặt… Hà Nội không còn cái thi vị của thu và những gì còn lại của mùa cũng trở nên mòn cũ. Tôi lên đường, tìm về một vùng núi non thanh tịnh lãng đãng với nhiều huyền thoại, bóng dáng thánh nhân muôn đời ẩn hiện, để đắm mình vào thiên nhiên thoát tục một ngày. 


Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) một ngày đầu đông. Đón tôi là tiếng gió chạy vun vút trên ngọn thông này đến gốc thông kia, rồi tiếng quả thông rơi rắc xuống vạt cỏ nghe như tiếng bước chân người xưa thoảng vọng. Một chút hoang sơ thần bí, một thoáng bồi hồi…

Ở nơi đây đã in dấu ấn một trong Tam tổ Trúc Lâm Thiền Phái Huyền Quang Lý Đạo Tái với bao truyền thuyết thần tiên kỳ ảo. Một ông quan Hành khiển thời Lê, nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lỗi lạc sánh với các kỳ nhân năm châu, với cái án oan bi thảm “tru di tam tộc” Nguyễn Trãi. Một thánh nhân tiên phong đạo cốt Chu Văn An với những học trò của ông… Hình như họ vẫn lẩn khuất đâu đó nơi rừng núi Côn Sơn này.  

Núi Côn Sơn cao hơn tôi tưởng tượng. Để lên được Bàn cờ Tiên, phải vòng theo sườn núi, leo khoảng 600 bậc đá. Càng lên cao, thông càng thẳng tắp, gió dường như đuổi nhau trên ngọn cây, vòng quanh xuống núi, rồi ào vào cánh đồng xanh mướt nằm giữa núi Hun, núi Phượng, dừng lại trên dòng sông Thương mờ trắng như dải lụa bạc xa xa, rồi ngược trở lại lên núi, mang theo mùi làng quê. Tiếng gió lào xào như ẩn chứa những câu chuyện vừa mới mang về từ dưới trần gian kể cho các đám mây. 

Đứng từ Bàn cờ Tiên phóng tầm mắt ra xung quanh, mây trôi từng lớp như vạt áo tiền nhân ẩn hiện trong vòng cung Đông Triều – Yên Tử xám mờ đầy bí mật. Văng vẳng tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ như của Thiền tổ Trúc Lâm Huyền Quang, gõ nhịp hành trình vạn kiếp nhân gian. Lặng ngắm một mảnh giang sơn gấm vóc, nằm trong thung lũng trù phú được bao bọc bởi dãy núi Rồng và sáu con sông hòa dòng chảy, nơi Vua Trần và các tướng lĩnh đã dựa vào thế núi dáng sông làm thành lũy trấn giữ Kinh thành Thăng Long xưa…

Như một đồng vọng lịch sử, nghe xa xăm tiếng hét đầy hào khí của các vị bô lão dự Hội nghị Diên Hồng trên Bến Bình Than “Sát Thát”. Ngó sang dãy núi Phượng Hoàng, bạt ngàn thông, lô nhô 72 ngọn núi nhỏ, thấp thoáng tà áo xanh thanh khiết tiền nhân Chu Văn An đọc sách thánh hiền, lay động cả hồn phách giao long thủy quái, rung cảm cả ma quỉ rừng sâu núi thẳm.

Gần hơn là núi Hun nằm trong dãy Côn Sơn, rì rầm ngày đêm tiếng suối chảy, lấp ló một ngôi chùa cổ kính ẩn mình giữa tàng cây cổ thụ. Cây hoa đại, tương truyền 600-700 tuổi, hoa trắng xóa nổi bật giữa ngàn xanh, tỏa hương man mác chợt có chợt không lẫn vào khí núi. Bất giác lòng se sắt, rưng rưng cảm thương số phận Nguyễn Trãi – Thị Lộ, chỉ vì không lường được cái họa “danh sinh đấu, lợi sinh tranh”, mà ôm hận, để mấy trăm năm sau, đời vẫn còn nhỏ nước mắt xót xa đau đớn.

Giữa đỉnh Côn Sơn, trời đất trầm tư, âm âm khí núi. Những đám mây lờ lững chùng chình nửa vấn vương ngọn cây, nửa lại như muốn ngắm người phàm trần đang ngẩn ngơ trước cảnh sắc nơi này. Trí tưởng tượng huyền hoặc trong không gian lãng đãng hương khói của cổ nhân, mới cảm nhận được vì sao người xưa tìm đến đây ẩn mình, tránh xa những ô tạp phồn hoa đô hội. 

Nương theo thầm thì gió rừng thông, mon men lần xuống núi, dừng lại bên Giếng Ngọc, nằm ngang sườn núi Kỳ Lân, cũng trong vòng ôm Côn Sơn. Giếng Ngọc là nguồn nước quí được thần linh báo mộng cho Thiền sư Tổ Huyền Quang giữa vùng núi cao mây trắng. Tương truyền, các thần tiên hay nghỉ chân tại đây, uống nước giếng, rồi mới lên Bàn cờ Tiên bày trận tiêu dao.

Sau này, thành tục lệ trước khi lên núi, khách lữ hành đều dừng chân nghỉ bên giếng, uống nước, khoát một vốc rửa mặt, như trút bỏ ưu phiền, thanh thản lên núi, gần với các bậc tiên thánh. Tôi cũng làm theo, không cưỡng lại được bởi nước giếng Ngọc trong vắt, mát lạnh, cái trong mát hình như mang trong nó sự huyền bí không hẳn ở truyền thuyết mà như do tinh túy của sương gió rừng cây và linh khí sơn thủy của Côn Sơn tinh lọc nên.

Một ngụm nước giếng giữa rừng sao mà bỗng thấy lòng nhẹ bỗng. Bao phiền muộn, bức bối, bao ý nghĩ ganh đua tủn mủn bé mọn như không còn. Không biết khi xuống dưới núi, về phố, con người ta có còn giữ được sự trong mát của ngụm nước giếng Ngọc, giữ cho tâm thanh ý tịnh như lúc này, giữa rừng núi Côn Sơn. 

Chiều đã ngả dần, chân đã chồn. Đi xuống núi, dừng bên suối Côn Sơn, một phiến đá ngang bằng chiếc chiếu đôi, nhẵn và phẳng – Thạch Bàn, như mời gọi hấp dẫn cho đôi chân một khắc nghỉ ngơi. Truyền thuyết xưa, đây là nơi Thánh Tản Viên Sơn – Sơn Tinh đã đến nghỉ trước khi về Kinh Đô rước dâu – nàng Mỵ Nương xinh đẹp con Vua Hùng Vương. Và hơn 600 năm trước, đây là một góc của lịch sử số phận danh nhân nước Việt – Quan Hành Khiển Nguyễn Trãi cáo quan, chọn miền núi Côn Sơn – Chí Linh ẩn dật, tránh xa quan trường và những phức tạp thế thái nhân tình. 

Tương truyền ông đã lấy Thạch Bàn làm “chiếu thảm”, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ, suy tư việc nước, trên cao tiếng thông reo, dưới tiếng suối hát và hơn nữa, ông còn có hồng nhan tri kỷ – nàng bán chiếu gon ở Tây Hồ, Nguyễn Thị Lộ, cùng ông xướng họa thi ca. Và bên tôi lúc này cũng có người tri âm tri kỷ. Anh cũng như tôi, khi lên tới núi, như một đồng điệu trong cảm xúc, giữa chúng tôi không có khoảng cách. Như cùng một giấc mơ thần tiên cuốc nguyệt cày mây trên đỉnh Côn Sơn, thả hồn vân du theo những huyền sử thiêng liêng, nhớ nhung một vần thơ, một điệu nhạc, một khoảnh khắc tuyệt đẹp của trời đất cỏ cây.  

Sương đã bắt đầu phủ mờ, treo vật vờ trên các vách núi đá, lãng đãng lẫn vào vòm thông cao tít tắp, khí núi tỏa ra tê tê da mặt… Đỉnh Côn Sơn thẫm dần che giấu bí ẩn cổ nhân trong thinh lặng, chỉ còn nghe tiếng gió, tiếng thông réo ù ù… Ngoảnh nhìn lại, núi rừng toát ra khí thiêng ảo diệu trong tím xám. Phải về thôi, về với đời thường dưới kia đang lấp lóa ánh đèn. 

Bỗng giật mình, không biết khi về phố, đời đã trôi qua mấy trăm năm khi lên núi với thần tiên thoát tục một ngày. Tất cả vẫn y nguyên, vẫn ồn ào, ngột ngạt với cuộc sống đầy nghiệt ngã, vẫn như bị nhốt trong hồ lô, vẫn chòng chành buồn vui giữa cơn gió mùa đông bắc đang tràn về lạnh lẽo vô hồn. 

Ước gì… một ngày Côn Sơn, mơ về tiếng suối hát, tiếng thông reo, tiếng gió đuổi nhau… Gặp lại trong tiềm thức những thần tiên thánh nhân muôn đời ẩn hiện nơi rừng thiêng núi linh. Và bên cạnh là anh, người tri âm tri kỷ, đồng điệu…