Nhân nuôi hổ là vi phạm pháp luật

ThienNhien.Net – Trao đổi với Tiến sĩ Barney Long, điều phối viên Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Khu vực Trung Trường Sơn (Tổ chức WWF Greater Mekong) về vấn đề hổ nuôi nhốt, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến khác với cách nhìn của một bộ phận công chúng hiện nay.



Theo đánh giá của ông, việc nhân nuôi hổ ở tỉnh Bình Dương là việc làm tích cực hay tiêu cực? Tại sao?


Tất nhiên là rất tiêu cực, vì các lý do sau đây:
 
Thứ nhất: Các con hổ được mang đi nhân nuôi đều là mua bất hợp pháp, có nguồn gốc từ hoang dã. Người ta đã bắt nó từ Campuchia, đưa sang Việt Nam, có nghĩa là chúng bị lấy từ các quần thể ngoài tự nhiên, về bảo tồn như thế là tiêu cực. Điều này đã vi phạm các quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 32/2006/NĐ-CP(*) và Nghị định 82/2006/NĐ-CP(**).
 
Thứ hai: Việc nhân nuôi của các chủ hộ tại Bình Dương đã làm cho mọi người dân nghĩ nghĩ rằng nhân nuôi động vật là bảo tồn được chúng. Đây chính là thông điệp bảo tồn rất tiêu cực cho tất cả công chúng ở Việt Nam. Việc nhân nuôi này không có ý nghĩa bảo tồn, vì hai lí do sau: 1) Các động vật trên đây không thuộc bất cứ một chương trình nhân nuôi nào của quốc tế. Vì vậy,  nguồn gen của số hổ này không có giá trị bảo tồn. 2) Chúng ta không thể tái thả chúng ra ngoài tự nhiên vì chúng có thể bị chết do bị đói, bị các con hổ khác giết chết, thậm chí chúng có thể là đối tượng gây nguy hiểm cho tính mạng các đàn gia súc và cả người.
 
Việc nhân nuôi hổ của các hộ tư nhân ở tỉnh Bình Dương có ảnh hưởng đến Việt Nam khi đã là thành viên của công ước CITES?
 
Việc nhân nuôi hổ trên đây không có giá trị gì đối với Việt Nam cả. Không thể thả trở lại số hổ này ra tự nhiên. Bởi vậy, chúng không có giá trị bảo tồn.  Số hổ này cũng không thể mang ra buôn bán vì việc nhân nuôi đã vi phạm các quy định cấm theo luật của Việt Nam cũng như quốc tế. Như vậy, chúng cũng sẽ không có giá trị về kinh tế. Nếu cố tình nhân nuôi hổ – loài đã bị cấm cấm trong công ước CITES, sẽ làm hỏng toàn bộ nỗ lực bảo tồn hổ trên toàn thế giới. Việt Nam sẽ gặp rất nhiều vấn đề như đối với trường hợp Trung Quốc đã phải đối mặt trong thời gian gần đây.
 
Có nhiều ý kiến xoay quanh vụ việc này. Nhiều người ủng hộ hành động nói trên. Ý kiến của ông như thế nào?
 
Việc nhân nuôi trên là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần sớm chấm dứt hành động nuôi hổ này. Số hổ trên phải bị tịch thu. Như tôi đã đề cập trên đây, việc nhân nuôi hổ không có giá trị bảo tồn cũng như giá trị kinh tế, vì vậy hành đồng này cần phải được chấm dứt. Nếu cho phép tiếp tục nhân nuôi đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa việc buôn bán sản xuất các bộ phận của hổ có nguồn gốc từ nuôi nhốt. Điều này càng nguy hiểm vì như thế việc nhân nuôi hổ sẽ được xem  như một hành động có lợi, kích thích việc buôn bán bất hợp pháp hổ từ tự nhiên bùng nổ trở lại. Chi phí cho săn bắt hổ ngoài tự nhiên sẽ ít tốn kém hơn rất nhiêu sơ với việc nhân nuôi hổ. Thực tế ở  Ấn Độ đã chứng minh điều đó. Hành động cho phép tiếp tục nhân nuôi sẽ làm cho những con hổ ngoài hoang dã ở Việt Nam nhanh chóng bị biến mất, làm tổn hại đến công tác bảo tồn hổ trên toàn thế giới.
 
Với 6 con hổ ban đầu của một hộ, sau 6 năm, số hổ đã nhân lên 23 con. Như vậy, liệu có nguy cơ lai cận huyết hay không?  
 
Số hổ này không có giá trị bảo tồn lẫn giá trị kinh tế nên tôi không bàn đến vấn đề này. Đàn hổ được nhân giống trên đây hoàn toàn không có giá trị.
 
Vậy theo ông, giải pháp cho việc nhân nuôi hổ của tư nhân tại Việt Nam hiện nay là gì?

Cơ quan kiểm lâm nên tịch thu và chuyển hổ về một nơi nào đó phù hợp hoặc về các sở thú. Các chủ hộ đã vi phạm các Nghị định 32 và 82 của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy họ phải có trách nhiệm trả chi phí cho toàn bộ quá trình nuôi nhốt tại các cơ sở cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên. Các cơ sở, các vườn thú vẫn có thể giúp các chủ hộ trong việc tạo điều kiện sống cho những con hổ đó.
 
Theo ông, động cơ của việc nhân nuôi hổ này là gì?

Có hai điểm đáng nói ở đây:

Thứ nhất, nếu họ thật sự yêu động vật, họ nên sử dụng số tiền đã bỏ ra cho việc mua và nhân nuôi hổ để bảo vệ chúng ngoài tự nhiên.
 
Thứ hai, các chủ hộ không làm vì mục đích bảo tồn, đơn giản chỉ là để sở hữu chúng. Điều này đưa đến suy nghĩ không tốt cho công chúng về việc bảo vệ động vật hoang dã. Nếu cần bảo tồn, chủ của những con hổ nói trên nên tài trợ cho các vườn thú để cải thiện điều kiện nuôi nhốt, thực hiện các hoạt động giáo dục cho công chúng. Tôi cho rằng hành động của họ chỉ nhằm vào mục đích kinh tế. Vì vậy, có thể nói họ đã vi phạm pháp luật.
 
Xin cám ơn ông!




(*) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
(**) Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/08/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cây nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.