Nhiễm độc thủy ngân – ẩn họa từ khai thác vàng

ThienNhien.Net – Giá vàng tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến ở nhiều nơi trên thế giới, từng dòng người vẫn không ngừng đổ về những khu mỏ khai thác vàng có phép và không phép. Do sử dụng hình thức khai thác thủ công và công nghệ thô sơ, hoạt động khai thác vàng vô tình đẩy các cộng đồng địa phương, nhân công tham gia khai thác và môi trường tự nhiên vào tình trạng bị hủy hoại bởi nhiễm độc thủy ngân.

Nhiễm độc do tiếp xúc với thủy ngân

Run, dễ xúc động, hay quên và gặp ảo giác là những triệu chứng thường gặp nhất ở nhiều người thợ sản xuất mũ của Anh hồi đầu thế kỷ XIX. Công việc thường ngày của họ là tiến hành tách lông động vật rồi ngâm chúng trong một hợp chất gọi là nitrat thủy ngân – Hg(NO3)2. Chính quy trình này đã khiến họ bị ảnh hưởng bởi lượng dung dịch độc hại bốc hơi vào không khí.

Trước nỗi ám ảnh từ nhiễm độc thủy ngân, các nước phương Tây đã cấm dài hạn những ngành, nghề buộc người công nhân phải tiếp xúc với thủy ngân. Đến năm 2008, Liên minh Châu Âu (EU) tiến tới quyết định cấm bán nhiệt kế có sử dụng thủy ngân ra ngoài cộng đồng.

Song ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng sử dụng thủy ngân để chiết tách vàng vẫn còn tồn tại. Đơn cử, ở châu Phi, lượng thủy ngân được sử dụng để khai thác vàng cũng đang gia tăng theo sự lên giá của vàng.

Bởi lẽ, lọc vàng bằng thủy ngân vốn là một phương pháp thủ công phổ biến, nhanh chóng và tương đối rẻ tiền. Thủy ngân tự “hút” vàng và rất dễ tách vàng ra khỏi đá và các vật liệu khác.

Tuy nhiên, hậu quả để lại là một lượng thủy ngân lớn đã bị rò rỉ ra môi trường, khoảng 70% số này thường được tìm thấy trong nguồn nước, gieo rắc nguy cơ lâu dài đối với những công nhân khai mỏ và cộng đồng dân cư vùng hạ lưu hoặc vùng thuận hướng gió thổi từ các khu khai thác vàng.

Theo bà Carolyn
 Vickers thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì “những cộng đồng đào vàng là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi thủy ngân thường ngấm vào chuỗi thức ăn mà điển hình là cá, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người phụ nữ, đồng thời tác động tới sự phát triển của não và khả năng phát triển tư duy của những thai nhi còn trong bụng mẹ”.

Hiệp ước Liên Hợp quốc về thủy ngân?

Trung tuần tháng này, đoàn đại biểu của 120 quốc gia trên thế giới đã họp mặt tại trụ sở của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) tại Nairobi (Kenya) nhằm đàm phán để hướng tới một Hiệp ước toàn cầu về giảm ô nhiễm thủy ngân.

Các cuộc đàm phán đều tập trung vào mục tiêu giảm bớt lượng cung cấp thủy ngân trên thị trường

; giảm thiểu nhu cầu về thủy ngân trong sản xuất và hoạt động thương mại quốc tế; giảm lượng phát thải thủy ngân ra bầu khí quyển; đồng thời thảo luận về hướng xử lý chất thải chứa thủy ngân và các khu vực ô nhiễm thủy ngân.

Hiệp ước về thủy ngân được kỳ vọng sẽ ra đời vào năm 2013, Dự thảo Hiệp ước đến nay cũng đã hoàn thành. Vì chủ yếu kêu gọi hạn chế kinh doanh, buôn bán thủy ngân và áp đặt lệnh cấm xả thải thủy ngân ở các nước đang phát triển nên Dự thảo nhấn mạnh sẽ phải thúc đẩy các gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật 
cho các nước này.

Tuy nhiên, dù có ban hành Hiệp ước thì người ta vẫn lo ngại việc thực thi sẽ chẳng hề dễ dàng vì lâu nay, hoạt động thương mại quốc tế liên quan tới thứ kim loại độc hại này đa phần đều không được kiểm soát.

Đơn cử,
 một lượng lớn thủy ngân vẫn thường xâm nhập từ nước ngoài vào châu Phi thông qua các sản phẩm như pin, bóng đèn, thậm chí dưới dạng chất thải.

Mỗi năm, hoạt động khai mỏ thủ công thải ra môi trường khoảng 1.000 tấn thủy ngân, chiếm 30 – 40% lượng ô nhiễm thủy ngân do con người tạo ra trên Trái đất, thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, trước mối đe dọa khôn lường từ ngộ độc thủy ngân, số đông trong 55 quốc gia, nơi nạn khai thác vàng quy mô nhỏ
 đang lan rộng, lại tỏ ra thiếu ý chí, quyết tâm chính trị và năng lực ngăn chặn thủy ngân
 ảnh hưởng tới 10 – 15 triệu thợ đào vàng quy mô nhỏ.

Một điểm “nóng” khai thác vàng ở Ghana (Ảnh: Habertalk.com)

Thêm nữa, còn một điều đáng lo ngại là hoạt động đào vàng quy mô nhỏ chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn và hầu như được tiến hành phi chính thức, vì vậy thông tin về số người tham gia cũng như tổng lượng thủy ngân bị thải ra môi trường hầu như không có, Ludovic Bernaudat thuộc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cho biết.

Trong khi đó, ngay cả trong tương lai, nếu hoạt động khai thác dùng thủy ngân được thay thế bằng các phương pháp thân thiện với môi trường hơn như tách bằng trọng lực, thu giữ hơi thủy ngân bằng nồi chưng cất… vẫn sẽ không thể tránh khỏi những tác động đối với lao động trẻ em.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có khoảng 1 triệu trẻ em đang làm việc tại các khu vực khai thác vàng thủ công ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi. Chính vì thế, bà Juliane 
Kippenberg, nhà nghiên cứu cấp cao về quyền trẻ em thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho rằng: 
”Các chính phủ đã làm quá ít để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân. Nếu được thông qua, Hiệp ước về thủy ngân không nên chỉ đề cập tới thủy ngân như một vấn đề môi trường mang tính kỹ thuật mà còn nên coi nó là một vấn đề liên quan đến quyền y tế”.