Gắn bộ cảm ứng cho hàng trăm loài chim để dự báo thảm họa

Đó là ý tưởng của các nhà nghiên cứu thuộc dự án Kivi Kuaka do nhà điểu học Frédéric Jiguet đứng đầu. Kivi Kuaka là một chương trình khoa học sáng tạo được Bộ Quốc phòng Pháp tài trợ, nhằm mục đích nghiên cứu các phản ứng hành vi của các loài chim đối với lốc xoáy, động đất và sóng thần để phát triển các hệ thống cảnh báo sớm mới cho những thảm họa thiên nhiên.

Các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch gắn bộ cảm biến thời tiết cho hàng trăm loài chim trên khắp Thái Bình Dương để dự báo sớm những trận động đất, bão, sóng thần tiềm tàng.
Ảnh: Kivi Kuaka

Các nhà khoa học đã đeo vào chân của các loài chim khác nhau bộ cảm biến thời tiết Icarus rồi đưa chúng đến những khu vực có khả năng xảy ra bão lớn, thiết bị Iracus sẽ truyền vị trí của các chú chim tới Trạm vũ trụ quốc tế ISS rồi dữ liệu lại được gửi về cho các nhà khoa học trên trái đất để họ nắm được hành trình của chúng.

Một con chim được gắn bộ cảm biến Iracus. Ảnh: Kivi Kuaka

Nhà điểu học Frédéric Jiguet cho biết: “Chúng tôi tập trung theo dõi sóng hạ âm của loài chim. Đây là âm thanh tần số thấp mà con người không thể nghe được. Kết quả cho thấy tháng 9/2018, khi chúng tôi gửi dữ liệu đến các đồng nghiệp ở Mỹ lúc nhận thấy sự di chuyển của loài chim chích chòe cánh vàng ở Đông Nam nước Mỹ, chúng đã bay khỏi nơi cư trú 1.500km 1 ngày trước khi xảy ra một trận lốc xoáy khiến 35 người chết, thiệt hại hơn 1 tỉ USD…”.

Trước đó, trong trận động đất kèm theo sóng thần xảy ra ở Ấn Độ dương năm 2004 làm chết hơn 230.000 người tại các quốc gia Thailand, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanca, Bangladesh, Myanmar…, rất nhiều người sống sót ở các nước này đều khẳng định 1 ngày trước khi xảy ra thảm họa, họ không hề nhìn thấy bất kỳ một loài chim nào bay lượn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các loài chim có thể cảm nhận được sóng hạ âm do sóng thần tạo ra.

Hiện tại, cùng với các thiết bị tối tân, những hiện tượng nêu trên đang được các nhà khoa học nghiên cứu một cách có hệ thống nhằm cảnh báo sớm những thiên tai sẽ xảy đến. Nhà khoa học sóng thần Eddie Bernard, lãnh đạo Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương và Phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương thuộc Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ nói: Từ lâu, chúng tôi đã triển khai mạng lưới cảnh báo và đánh giá sóng thần ở đáy biển, được gọi là DART. Mạng lưới này dựa trên những cảm biến áp suất có độ nhạy cao được neo dưới đáy biển, liên tục gửi tín hiệu đến vệ tinh thông qua những phao nổi. DART có thể phát hiện sự khác biệt trong các đợt sóng dù chỉ chênh lệch 1 cm nhưng khác với loài chim, chúng phát hiện sóng thần ngay từ khi chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào, còn DART chỉ phát hiện khi đã có hiện tượng”.

Cần phải tìm hiều sâu hơn nữa về tập tính của loài chim, nhất là khi chúng thay đổi đường bay trong những hành trình xưa nay vốn bất di bất dịch. Câu hỏi cần trả lời là nguyên nhân nào khiến chúng thay đổi? Do thời tiết hay do sự xuất hiện của những loài khác là kẻ thù của chúng, hoặc nơi mà chúng vẫn thường đến thì nay không còn đủ thức ăn, hoặc môi trường không còn thuận lợi cho việc giao phối, sinh đẻ. Nếu chúng thay đổi tập tính do thời tiết thì điều đó có nghĩa là chúng đã nhìn thấy trước tai họa sắp xảy ra.

Dự kiến cuối tháng 12 năm 2021, dự án Kivi Kuaka sẽ sơ kết dữ liệu sau 1 năm hoạt động. Theo nhà điểu học Frédéric Jiguet thì bước đầu nó đã mang lại kết quả khả quan qua việc cảnh báo núi lửa ở đảo Hawaii và núi lửa ở Java, Indonesia tái hoạt động. Ông nói: “Tất cả đều dựa vào sự thay đổi tập tính của chim mòng biển vào thời điểm mà các hệ thống cảm biến địa chấn ở cả Hawaii lẫn Indonesia vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu gì…”.