Bão số 6 (Dianmu): Gây mưa diện rộng ở Trung bộ

Chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 năm 2021 (tên gọi quốc tế là Dianmu). Các khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong ngày 23/9 đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 120 mm.

Ảnh minh họa.

Áp thấp đã mạnh lên thành bão

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tác động đáng lưu ý nhất của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão là sẽ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Trung Bộ. Mưa được chia làm 2 giai đoạn. Ngày 23-24/9, mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định. Tổng lượng phổ biến 150-200 mm, một số nơi có thể ghi nhận lượng mưa trên 300 mm.

Sau đó, vùng mưa sẽ mở rộng về phía Tây và phía Bắc. Ngày 24-25/9, Thanh Hóa và Nghệ An cũng xuất hiện mưa dông diện rộng với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Ông Khiêm thông tin thêm, kể từ ngày 11/9 là thời điểm các tỉnh miền Trung hứng đợt mưa lớn do bão số 5 gây ra cho đến nay, tổng lượng mưa tích lũy ở khu vực miền núi ở Trung Trung Bộ đã lên đến 250-300 mm, có nơi 400-500 mm. Thêm lượng mưa trên 200 mm trong đợt này, lũ quét và sạt lở đất nguy cơ cao xảy ra ở các huyện miền núi.

Ngoài ra, với kịch bản mưa này, đại diện cơ quan khí tượng cho biết lũ trên lưu vực sông ở Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có thể dao động trên báo động 1 và báo động 2. Riêng khu vực Kon Tum, lũ trên các sông có thể lên cao trên báo động 2 và báo động 3. Nhiều huyện tại đây có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở.

Chủ động, sẵn sàng ứng phó

Ngày 23/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thông thường, dự báo gần sẽ cho độ chính xác cao. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát các kịch bản dự báo hiện có để lên phương án ứng phó phù hợp.

Theo ông Hiệp, đáng lo ngại nhất hiện nay là chưa có con số thống kê chính xác số tàu thuyền trên biển do số lượng báo cáo của các đơn vị khác nhau. Đồng thời, nhiều tàu thuyền không bật định vị nên cơ quan chức năng không thể nắm được số lượng chính xác để cập nhật vào bản đồ.

Trước mắt, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Thủy sản hướng dẫn ngay các tàu cá đã liên lạc được di dời nhanh khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, trong tình huống các tàu di chuyển vào địa phận nước khác, Bộ Ngoại giao cần theo dõi chặt chẽ để làm việc với nước bạn, đề nghị hỗ trợ khi có tàu của Việt Nam vào tránh trú.

Ông Hiệp cũng lo ngại mưa lớn xảy ra tập trung trong thời gian ngắn gây nguy cơ cho khu vực Tây Nguyên khi tất cả hồ thủy điện lớn tại đây đã tích nhiều nước. Với lượng mưa những ngày tới, địa phương và ngành chức năng phải tính toán phương án xả lũ đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân ở hạ du.

Đồng thời, ông nhận định khu vực phía Tây Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh Trung Trung Bộ rất đáng lo ngại. Dù lượng mưa sắp tới không quá lớn nhưng khu vực này mưa liên tục những ngày qua, đất đai đã ngậm đủ nước nên nguy cơ sạt lở, lũ quét là hiện hữu.