Tự ý chặt hàng trăm cây rừng ven biển của người dân

Người của Chi nhánh Điện lực Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cùng với công nhân của trại nuôi tôm đã tự ý chặt hàng trăm cây bạch đàn trong rừng sản xuất ven biển của người dân để bảo vệ hành lang lưới điện phục vụ hồ tôm ở xã Xuân Phổ, khiến người dân bức xúc, yêu cầu bồi thường.

Hiện trường tự ý chặt cây của người dân xã Xuân Phổ. (Ảnh: Trần Tuấn)

Tự ý chặt cây rừng sản xuất của dân

Ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường đốn hạ cây của người dân ở thôn Ninh Hòa và thôn Phúc An có hàng loạt cây bạch đàn bị cưa ngang gốc, trong đó, cây lớn đường kính khoảng 20cm, còn lại nhiều cây nhỏ bằng bắp chân. Những cây bị chặt thuộc 2 dãy chạy dọc dưới lưới điện thẳng ra trại nuôi tôm với chiều dài khoảng 1km.

Giải thích việc chặt cây của người dân, anh Nguyễn Viết Khánh – chủ trại nuôi tôm liên quan cho hay, hôm đó (13.9) người của Điện lực Nghi Xuân đi kiểm tra lưới điện kéo ra phục vụ đấu nối nuôi tôm cho trại của anh và trại của ông Phong (bên cạnh). Sau kiểm tra, phát hiện ngọn cây gây mất an toàn nên anh Xuân – nhân viên Điện lực Nghi Xuân đã mang theo cưa xăng và cùng gọi thêm 2 công nhân của anh và một công nhân của trại ông Phong cùng đi chặt cây.

Hồ tôm ở xã Xuân Phổ đấu nối lưới điện của Điện lực Nghi Xuân mà công nhân nuôi tôm liên quan đến việc chặt cây của người dân. (Ảnh: Trần Tuấn)

“Ở đó, ngoài 3 dãy cây dưới lưới điện trước đây đã giải phóng, bồi thường thì có thêm dãy cây cạnh đó mà gốc ngoài phạm vi giải phóng nhưng ngọn lại gây mất an toàn, nên chỉ những cây nào phải chặt thì anh em mới chặt thôi” – anh Khánh giải thích.

Anh Khánh cũng thừa nhận, lẽ ra khi biết cây ảnh hưởng đến an toàn lưới điện thì nên báo với xã để xã báo với hộ dân có cây xử lý, chứ không tự ý chặt như vậy.

Phải bồi thường

Ngày 22.9, ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ – cho biết, sau khi xảy ra sự việc tự ý chặt cây thuộc rừng sản xuất của người dân hôm 13.9 ở thôn Ninh Hòa và Phúc An, ông đã chỉ đạo Công an xã làm việc với các bên liên quan để xử lý. Qua làm việc đã xác định có 217 cây của 7 hộ dân bị chặt, trong đó hộ nhiều nhất có 40 cây.

Nhiều cây lớn bị đốn hạ. (Ảnh: Trần Tuấn)

Ông Anh thông tin thêm, đường dây điện kéo ra phục vụ dự án nuôi tôm trên cát ở xã Xuân Phổ được lắp đặt vào năm 2014. Sau khi hoàn thành lắp đặt, đường điện đó được giao cho chính quyền xã quản lý. Hồi đó, dự án đã bồi thường cây cối cho dân trong phạm vi 3m dưới đường điện. Tuy nhiên, theo thời gian, những hàng cây cạnh hành lang đã giải tỏa cao lớn lên nên phần ngọn nghiêng vào ảnh hưởng an toàn lưới điện.

“Lỗi của họ là trước khi chặt không thông báo với xã, với dân. Nếu báo thì xã sẽ làm việc với dân để vận động dân đồng ý cho chặt, trường hợp không đồng ý thì thỏa thuận mức bồi thường, hỗ trợ thế nào đó đã rồi chặt. Chứ tự ý chặt như vậy là không hay, tiềm ẩn xô xát với dân, ảnh hưởng an ninh trật tự” – ông Anh nói và cho hay, phía những người đã chặt cây phải thỏa thuận bồi thường cho dân với mức dự kiến là 100 nghìn đồng/cây.

Thống kê của xã Xuân Phổ, có 217 cây bị chặt phải bồi thường cho dân. (Ảnh: Trần Tuấn)

Ông Đinh Tiết Trung – Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Nghi Xuân ban đầu khẳng định phía điện lực không liên quan đến việc chặt cây của người dân xã Xuân Phổ, mà việc giải tỏa ở đó là giao cho khách hàng. Nếu không đảm bảo thì ngừng cấp điện, khi đảm bảo an toàn rồi thì mới cấp điện lại cho họ.

Tuy nhiên, sau khi phóng viên cung cấp thông tin về việc có người của điện lực tham gia vào vụ việc chặt cây thì ông Trung gọi điện cho cấp dưới, sau đó xác nhận có anh Xuân nhân viên của Điện lực Nghi Xuân đi giám sát việc chặt cây.