Nhiều cây Dẻ bị đốn hạ, chính quyền và kiểm lâm không biết

Hàng chục cây Dẻ bị đốn hạ trong khu vực rừng sản xuất khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, chính quyền địa phương và kiểm lâm không hay biết.

Hàng chục cây Dẻ bị đốn hạ nằm rải rác tại vùng bãi Cày, thuộc khu vực Đà Ngang. Ảnh: Võ Dũng

Tính đến ngày 4/5, hàng chục cây Dẻ bị đốn hạ nằm rải rác tại vùng bãi Cày, thuộc khu vực Đà Ngang, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), giáp ranh với xã Môn Sơn (Con Cuông).

Trong vai những người đi buôn trâu bò, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy, xuất phát từ bến Cát (xã Môn Sơn), xuôi dòng sông Giăng để đến khu vực Đà Ngang. Từ bến nước, đi bộ tầm vài km, từ dưới con đường men sông Giăng nhìn lên đã thấy cơ man nào cây rừng bị đốn hạ.

Theo ghi nhận của PV NNVN, khu vực Đà Ngang keo nguyên liệu đã 1-2 năm tuổi. Trong khu vực này, cây Dẻ nằm phân tán, nhiều cây có đường kính gốc 30-50 cm đã bị đốn hạ.

Hiện trường là những gốc cây ứa nhựa, đường kính 30-50 cm. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện trường là những gốc cây còn ứa nhựa, cành ngọn nằm ngổn ngang; thân bị dứt thành từng khúc chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Một vài khu vực, cành và ngọn Dẻ được tập trung, đốt cháy.

Không chỉ hàng chục cây Dẻ bị đốn hạ, nhiều diện tích rừng hỗn giao tre nứa cũng bị phát sẻ, đốt cháy để chuẩn bị trồng keo. Quanh khu vực Đà Ngang, hiện còn một diện tích lớn rừng tự nhiên nằm trong diện khoanh nuôi bảo vệ.

Cành và ngọn Dẻ được tập trung, đốt cháy. Ảnh: Võ Dũng.
Nhiều diện tích rừng hỗn giao tre nứa cũng bị phát sẻ, đốt cháy để chuẩn bị trồng keo. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân ở đây cho hay, cây Dẻ tái sinh trên vùng đất này đã bị đốn hạ đã 2-3 ngày nay. Tuy nhiên, do trời mưa to, nước thượng nguồn sông Giăng lớn nên tuyến vận chuyển độc đạo đi ra ngoài chưa thông. Vì thế, một khối lượng lớn gỗ Dẻ chưa được đưa ra ngoài.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, khu vực Đà Ngang trước đây thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn. Năm 2009, Công ty Lâm Nghiệp Anh Sơn đã ký hợp đồng liên doanh sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh rừng với Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng C.ty 4 có tổng diện tích 671,34 ha. Thời hạn sử dụng từ năm 2009 đến 2043.

Một khối lượng gỗ Dẻ lớn chưa được vận chuyển ra ngoài do tuyến độc đạo bị nước sông Giăng dâng ngập. Ảnh: Võ Dũng.

Sau đó một vài năm, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi toàn bộ diện tích trên, giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay, các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong đền bù giải phóng mặt bằng. Diện tích trên hiện đã được trồng keo. Trên diện tích keo nguyên liệu này có rất nhiều cây Dẻ tái sinh (thuộc nhóm V) mọc phân tán.

Ngày 4/5, ông Thái Ngô Cường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn và ông Lê Văn Cường, kiểm lâm địa bàn khu vực Đà Ngang cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được thông tin có người khai thác cây Dẻ trong rừng thuộc khu vực Đà Ngang.

Ông Thái Ngô Cường cho hay, về bản chất đây không phải là trường hợp Nhà nước giao đất giao rừng theo Nghị định 02 và 163 mà là giao khoán rừng. Vì thế, đơn vị nhận giao khoán sẽ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sáng 4/5, đại diện UBND xã Phúc Sơn và Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn cho biết chưa nhận được thông tin về vụ chặt hàng chục cây Dẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Thái Ngô Cường, nếu đã giao cho họ (Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng C.ty 4 – PV), nếu có rừng tự nhiên thì chủ thể phải bảo vệ.

Ông Cường đề nghị PV đến UBND xã Phúc Sơn để tìm hiểu thêm về sự việc.

Còn ông Đặng Đình Việt, cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Phúc Sơn thì cho biết, do mới nhận nhiệm vụ 1 năm nay nên ông không nắm được bản chất vấn đề và cũng không biết có việc khai thác cây Dẻ tại khu vực Đà Ngang.