Thái Lan chính thức đoạn tuyệt với paraquat và chlorpyrifos

Yêu cầu gia hạn sử dụng thuốc diệt cỏ paraquat và thuốc trừ sâu chlorpyrifos của phe ủng hộ hóa chất đã bị Ủy ban Quốc gia về các chất độc hại bác thẳng thừng.

Một nông dân ở tỉnh Ayutthaya phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng. Ảnh: BKP

Theo đó, tại cuộc họp mới nhất của Ủy ban Quốc gia về các chất độc hại (NHSC) do Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit chủ trì hôm 28/12/2020 đã phán quyết như trên.

Cụ thể có 20 trong tổng số 27 thành viên của ủy ban này đã bỏ phiếu thống nhất duy trì lệnh cấm sử dụng paraquat và chlorpyrifos trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 4 người bỏ phiếu chống và 3 người bỏ phiếu trắng.

Như vậy bản nghị quyết cuối cùng của NHSC đã chấm dứt nỗ lực kéo dài nhiều năm, thậm chí kéo theo rất nhiều cuộc biểu tình của nông dân do những người ủng hộ hóa chất lôi kéo, nhằm thu hồi lệnh cấm.

Trước đó, vào ngày 28 tháng 9 năm 2019, NHSC đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm sử dụng paraquat và chlorpyrifos, cũng như hạn chế sử dụng hoạt chất glyphosate trong lĩnh vực nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2020. Tuy nhiên do vấn đề hết sức nhạy cảm và dùng dằng nên “hạn chót” thực thi lệnh cấm đã được dời lùi lại 2 tháng, đến ngày 1 tháng 6.

Các chai thuốc trừ cỏ paraquat được bày bán ở thủ đô Bangkok hôm 23/5/2018. Ảnh: AFP
Paraquat và glyphosate là hóa chất diệt cỏ, trong khi chlorpyrifos thường được nông dân Thái Lan sử dụng để xử lý các loài côn trùng gây hại mùa màng và hoạt chất này còn được dùng trong những lĩnh vực phi nông nghiệp để xử lý một số loại gỗ. Theo các chuyên gia, trong số ba chất kể trên thì paraquat là hóa chất gây ra những lo ngại nhiều nhất và nó đã bị cấm ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Nguyên nhân là do các phe nhóm lợi ích hậu thuẫn cho hóa chất đã liên tục hối thúc, kiến ​​nghị NHSC tiếp tục trì hoãn lệnh cấm paraquat và chlorpyrifos bằng lập luận… hết sức thực tế rằng “không có hóa chất nào để thay thế nào để thay thế chúng”. Trong khi đó, chi phí sản xuất nông nghiệp đã bị đội lên tới 40% khi nông dân chuyển đổi sang sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp khác đắt tiền hơn nhưng lại kém hiệu quả hơn.

Theo ước tính của ngành công nghiệp Thái Lan, lệnh cấm sẽ tác động và gây ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm của đất nước, và có thể gây thiệt hại thêm hàng chục tỷ USD do hàng triệu việc làm bị cắt giảm.

Theo giới quan sát, mặc dù trước sức ép của phe ủng hộ hóa chất nhưng cùng thời điểm, vấn đề phức tạp này cũng đặt NHSC trước những áp lực hết sức mạnh mẽ từ các nhóm hoạt động xã hội dân sự và Bộ Y tế Công cộng khi họ liên tục tẩy chay việc tiếp tục sử dụng các loại hóa chất có hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Và cuối cùng đã buộc NHSC phải hành động bằng phán quyết mới nhất, đồng thời ủy ban này cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp phải sớm tìm các giải pháp thay thế để giúp nông dân đối phó với tác động tài chính của lệnh cấm.

Những người ủng hộ lệnh cấm paraquat trương bằng chứng loại thuốc diệt cỏ này liên quan đến bệnh Parkinson. Ảnh: NST

Phát biểu tại cuộc họp ở thủ đô Bangkok hôm 28/12/2020, ông Suriya khẳng định: Đây là quyết định cuối cùng và không nên có thêm bất kỳ yêu cầu nào để xem xét lại nghị quyết vì ủy ban đã thông báo rõ những hóa chất này nguy hiểm cho sức khỏe và hiện nhiều quốc gia cũng đã cấm sử dụng chúng. Trong khi đó, chính phủ đã tuyên bố sẽ thay thế các hóa chất nông nghiệp độc hại bằng các giải pháp thay thế không tốn quá nhiều chi phí cho nông dân.

Trong những năm vừa qua, lệnh cấm và giới hạn ba loại hóa chất kể trên đã ảnh hưởng khá lớn đến quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ, Brazil… và Thái Lan, thậm chí vào tháng 4/2020, Washington đã tuyên bố chấm dứt quy chế ưu đãi phổ cập (GSP) đối với Bangkok.