Để hỗ trợ nông dân triển khai suôn sẻ sản xuất vụ đông xuân, ngành NN-PTNT Quảng Bình đã “vay nợ” hơn 1.300 tấn giống đưa về cho nông dân chủ động sản xuất…
Sau trận lũ lịch sử vào tháng 10, nông dân Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn tấn lúa giống bị hư hỏng, không sử dụng được. Trước vụ đông xuân đang cận kề, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Nỗ lực của chúng tôi là không để thiếu giống, không sai cơ cấu và không chậm thời vụ. Tất cả tập trung cho vụ đông xuân thắng lợi”.
Ký “nợ” liền tay…
Sau cơn lũ, thiệt hại mà ngành nông nghiệp Quảng Bình gánh chịu là trên 2.000 tỷ đồng. Người nông dân gần như trắng tay trong việc tái thiết sản xuất sau thiên tai. Sự hỗ trợ kịp thời của Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp đã tạo cho bà con một động lực để gượng dậy.
“Tuy nhiên, trước vụ đông xuân, nông nghiệp Quảng Bình còn ngổn ngang khó khăn. Trong đó, khâu giống lúa, hoa màu là mang tính cấp bách nhất. Sau đó là việc tu bổ, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng… cần phải tiến hành ngay để phục vụ sản xuất” – ông Mai Văn Minh nói.
Vào vụ đông xuân, nông dân Quảng Bình cần khoảng 2.000 tấn giống lúa. Trên tinh thần hỗ trợ cho người dân vùng lũ tái thiết sản xuất, Bộ NN-PTNT đã có quyết định cho Quảng Bình 640 tấn giống. Còn lại 1.360 tấn là bài toán khó.
Để nông dân chủ động vào vụ, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã khẩn trương “liên kết” với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình điều chỉnh, phân bổ các loại giống về cho các địa phương. “Chúng tôi chủ động đề nghị Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cân đối đủ giống cho bà con và tiền giống xem như phía Sở nợ doanh nghiệp” – ông Mai Văn Minh nói.
Cũng theo ông Minh, số tiền nợ giống khoảng 30 tỷ đồng. Khoản tiền này, sẽ xin nguồn hỗ trợ bão lụt từ Trung ương, các ngành, doanh nghiệp. “Vấn đề là nông dân có đủ giống để sản xuất, kịp thời vụ và có vụ mùa bội thu ngay sau lũ lịch sử” – ông Minh nhấn mạnh thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cho hay: “Hiện Công ty đã phân bổ giống vụ đông xuân cho nông dân trong tỉnh trên cơ số đăng ký số lượng, chủng loại của các địa phương.
Theo đó, có gần 1.600 tấn lúa, lạc, ngô đã vận chuyển về các địa phương trong tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là P6 (193 tấn), PN 99 (104 tấn), VN20 (115 tấn)… Tổng số tiền mà bên Công ty cho nợ chậm khoảng 45 tỷ đồng. Hi vọng nông dân có vụ mùa bội thu sau lũ lớn”.
Hiện, nông dân các địa phương đăng ký mua giống còn thiếu khoảng 150 tấn do chưa tìm ra nguồn cung cấp.
Trong đó, cơ bản là giống P6 và VN 20. Ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, phía Công ty sẽ cung ứng bằng bộ giống khác phù hợp cơ cấu vụ đông xuân 2020-2021 cho các địa phương nhằm đảm bảo giống tốt cho bà con sản xuất.
Ưu tiên giống lúa chất lượng cao
Vụ đông xuân này, huyện Lệ Thủy có diện tích gieo cấy 10.160ha. Do bị thiệt hại trong lũ lớn nên bà con rất lo lắng về giống lúa. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và địa phương, doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm trước mùa vụ cận kề.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy cho hay, toàn huyện cần khoảng 900 tấn lúa giống.
“Hiện tại, bà con đã đăng ký số lượng, cơ cấu bộ giống đầy đủ và sẽ được cung ứng kịp thời. Theo nông lịch, Lệ Thủy sẽ xuống giống ở những trà lúa dài ngày từ 24-28/12. Ở những vùng này, cơ bản bà con đã triển khai xong khâu làm đất” – ông Vương chia sẻ thêm.
Vụ đông xuân này, Lệ Thủy chú trọng cơ cấu bộ giống chất lượng để thay thế dần các giống cũ. Theo ông Nguyễn Văn Vương, ngoài giống P6, PC 6, XT 28… đã có nhiều giống mới được đưa vào như nếp IRI352, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm, VNR 20…
“Diện tích cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm gần 50% tổng diện tích vụ đông xuân này” – ông Vương cho hay.
Xã An Thủy là địa phương có diện tích lúa đông xuân lớn của Lệ Thủy. Toàn xã sẽ thực hiện gieo cấy trên 2.130 ha nên số lượng giống lúa bà con cần khá lớn. Theo ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã, do cơ cấu mùa vụ nên vào khoảng đầu tháng 2/2021 bà con mới xuống vụ gieo.
“Hiện đã có gần nửa số lượng giống lúa các loại đã được chuyển về cho bà con. Như vậy là yên tâm cho vụ đông xuân tới rồi. Chúng tôi cũng đang vận động người dân tranh thủ nước rút đến đâu khẩn trương làm đất đến đó.
Mặt khác, huy động lực lượng để tu bổ, đào đắp các tuyến kênh mương, đường nội đồng để cố gắng đưa vào phục vụ sản xuất”.
Nằm ở phía bắc của tỉnh, huyện Quảng Trạch cũng đang tích cực chỉ đạo và hỗ trợ nông dân trước vụ đông xuân.
Theo kế hoạch, Quảng Trạch gieo sạ khoảng 3.550 ha lúa. Cơ cấu các loại giống chính như P6, ĐV108, Hà Phát 3, QS447, HN6, Phong Nha 99, Hương Việt…
Huyện cũng đã trích ngân sách gần 500 triệu đồng, tiếp nhận gần 1,5 tỷ đồng của cấp trên để mua các loại giống lúa, giống rau màu, hỗ trợ bà con sản xuất. Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã hỗ trợ các địa phương ở Quảng Trạch 1,5 tấn hạt giống các loại.
Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện tại, bà con nông dân đang tranh thủ thời gian, tích cực ra đồng cải tạo, vệ sinh ruộng đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa, cày ải đất để tiến hành gieo sạ trà lúa dài ngày vào khoảng thời gian từ 30/12 đến ngày 9/1”.