Phá hủy thiên nhiên làm gia tăng đại dịch

Hành vi phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên của con người sẽ làm tăng số lượng dơi, chuột và những loài chứa bệnh dịch có thể dẫn tới đại dịch tương tự Covid-19.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature tiến hành đánh giá gần 7.000 quần xã động vật ở 6 lục địa và phát hiện việc chuyển đổi các vùng hoang dã thành đất canh tác hoặc đất ở thường quét sạch các loài thú lớn nhưng lại có lợi cho những loài thú nhỏ vốn thích nghi tốt hơn và thường mang mầm bệnh có thể lây sang người.

Các quần thể động vật ở những khu vực suy thoái chứa số lượng bệnh từ động vật gấp 2,5 lần và tỷ lệ loài chứa mầm bệnh cũng cao hơn 70% so với những hệ sinh thái chưa bị tổn hại.

Xa lộ BR163 ở huyện Moraes Almeida trong rừng Amazon, Brazil. (Ảnh: Nelson Almeida/AFP/Getty Images)

Con người ngày càng bị tác động mạnh từ những bệnh dịch bắt nguồn từ động vật hoang dã như HIV, Zika, Sars và virus Nipah. Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, hàng loạt lời cảnh báo từ Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới rằng thế giới phải giải quyết nguyên nhân cốt lõi của dịch bệnh là hành vi tàn phá thiên nhiên chứ không chỉ tập trung vào các triệu chứng về sức khỏe và kinh tế.

Tháng 6/2020, giới chuyên gia đồng loạt cho rằng đại dịch Covid-19 là “tín hiệu SOS với con người”, còn vào tháng 4, các chuyên gia đa dạng sinh học hàng đầu còn khẳng định sẽ có thêm nhiều bệnh dịch chết chóc hơn xảy ra nếu thiên nhiên không được bảo vệ.

Phân tích trên tạp chí Nature là công trình đầu tiên cho thấy tình trạng phá hủy những vùng hoang dã (do dân số thế giới và tình trạng tiêu dùng tăng) dẫn tới thay đổi trong các quần thể động vật và tăng rủi ro bệnh dịch bùng phát. Do đó, cần đẩy mạnh giám sát dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ở những khu vực thiên nhiên đang bị tàn phá.

“Khi xâm lấn và biến một khu rừng thành đất trồng trọt, chúng ta vô tình làm tăng khả năng tiếp xúc với động vật mang bệnh”, chuyên gia David Redding thuộc Viện Động vật học London kiêm thành viên nhóm nghiên cứu phân tích.

Đáng chú ý là chi phí bệnh dịch không hề được tính đến khi quyết định chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên. “Rồi chúng ta phải bỏ ra rất nhiều tiền cho chữa trị bệnh tật”, Redding chia sẻ.

Một nghiên cứu gần đây ước tính trong thập kỷ tới chỉ cần 2% chi phí cho cuộc khủng hoảng Covid-19 để ngăn ngừa các địa dịch tương lai.

“Đại dịch Covid-19 thức tỉnh thế giới về mối nguy bệnh từ động vật với con người”, Richard Ostfeld thuộc Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary, và Felicia Keesing thuộc trường Bard College, Hoa Kỳ bình luận trên tạp chí Nature.

“Sự công nhận này dẫn tới một quan niệm sai lầm phổ biến rằng thiên nhiên hoang dã là nguồn lớn nhất lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người. Nghiên cứu này đưa ra một đính chính quan trọng: các mối đe dọa lớn nhất từ động vật chỉ phát sinh khi các khu vực tự nhiên bị chuyển đổi thành đất trồng trọt, đồng cỏ và đô thị. Những mô hình mà nhóm nghiên cứu phát hiện ra rất ấn tượng”.

Lý do các loài như dơi và loài gặm nhấm sinh sôi nảy nở trong những hệ sinh thái bị con người gây tổn hại, đồng thời chứa nhiều mầm bệnh nhất vì chúng nhỏ, linh hoạt, dễ thích nghi và sinh sản nhanh.

Redding cho rằng “ví dụ dễ thấy nhất là chuột nâu”. Chiến lược tiến hóa của loài có vòng đời ngắn này ngả về hướng sinh sản con non nhiều và nhanh, tỷ lệ sống sót cao, tức là chúng không phải đầu tư nhiều vào hệ miễn dịch. “Nói cách khác, những sinh vật kiểu như chuột thích nghi với lây nhiễm tốt hơn những sinh vật khác”, theo Ostfeld và Keesing.

“Ngược lại, phải vài năm voi mới có thể sinh con. Nó phải chắc chắn là con non sống sót nên con non được sinh ra với hệ miễn dịch tốt và thích nghi cao”, Redding bổ sung.

Phân tích cũng phát hiện rằng các loài chim nhỏ, hay đậu cũng là vật chủ cho những dịch bệnh sinh sôi trong những sinh cảnh chịu tác động từ con người. Những loài chim như vậy có thể là ổ chứa các bệnh như virus Tây sông Nile và một loại virus chikungunya.

Con người đã tác động tới hơn 1/2 diện tích đất có thể cư trú trên trái đất.

Giáo sư Kate Jones thuộc đại học College London và cũng là thành viên nhóm nghiên cứu kết luận: “Đất nông nghiệp và đô thị sẽ còn tăng trong những thập kỷ tới, chúng ta nên tăng cường giám sát bệnh dịch và chăm sóc y tế ở những khu vực đang bị xáo trộn về đất đai, bởi những nơi đó có nhiều loài động vật chứa mầm bệnh nguy hiểm”.

Thế Anh (Theo Guardian)

Nguồn: