Nhật Bản​: Thải nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển

Việc thải nước ra Thái Bình Dương trong thời gian 1 năm sẽ chỉ dẫn tới nguy cơ nhiễm phóng xạ bằng 1/1.600 cho đến 1/40.000 so với mức mà con người bị phơi nhiễm tự nhiên- đó là khẳng định của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngày 18/11; đồng thời nhấn mạnh nguy cơ đối với sức khỏe con người sẽ là “rất nhỏ.”

Kiểm tra phóng xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Vẫn theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nước được sử dụng để làm lạnh các lõi nhiên liệu, và lượng nước ngầm gần nhà máy không còn hoạt động, có chứa một số nguyên liệu phóng xạ. Nước đang được xử lý bằng cách sử dụng một hệ thống xử lý nước tiên tiến nhất (ALPS), dù hệ thống này không loại bỏ tritium tương đối không độc hại, trong khi thải ra một lượng nhỏ các nguyên liệu phóng xạ khác. Thời gian qua, lượng nước này đang được thu thập và chứa trong các thùng kín trong khuôn viên nhà máy, hiện đã lên tới hơn 100 tấn và ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo Công ty Điện lực Tokyo, chủ nhà máy điện Fukushima Daiichi, các thùng chứa nước dự kiến sẽ hết chỗ chứa vào năm 2022.

Tuy nhiên, trong khi giới chức Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh sự an toàn của việc thải nước nhiễm phóng xạ ra biển, các nghị sỹ đối lập, cũng như nước láng giềng Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại.

Nhắc lại, sự cố Nhà máy điện Fukushima Daiichi là rất hệ trọng. Ngày 11/3/2011, Chính phủ Nhật Bản đã phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân” do mất chất làm nguội và di tản hàng ngàn người dân sinh sống gần nhà máy Fukushima. Tổng cộng 45.000 người sống trong bán kính 20 km xung quanh nhà máy số 1 đã được yêu cầu di dời. Nhà máy này cách thành phố 30 triệu dân Tokyo khoảng 250 km về hướng Đông Bắc. Ngày 16/12/2011, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó, ông Noda Yoshihiko tuyên bố trong cuộc họp báo về quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân này.