Một tỷ USD từ Quỹ Wyss hỗ trợ được gì cho bảo tồn?

Trong thế kỷ vừa qua, gần 80% đất đai bị thay đổi hoặc bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của con người. Kết quả là các loài khác giảm đi nhanh chóng.

Nhằm chống lại xu hướng đó, các nhóm bảo tồn đang chuyển đổi ngày càng nhiều những vùng đất giàu có về đa dạng sinh học thành các khu vực được bảo vệ như vườn quốc gia hay khu bảo tồn biển. Vừa qua, Quỹ Wyss, một tổ chức từ thiện tập trung vào bảo vệ những vùng hoang dã, tuyên bố quyên góp 1 tỷ USD để khởi động Chiến dịch vì thiên nhiên.

Tỷ phú Hansjörg Wyss, người sáng lập Quỹ Wyss cho biết số tiền này sẽ hướng tới mục tiêu của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ 30% trái đất vào năm 2030. Hiện Wyss đang hợp tác với Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, Tổ chức Nature Conservancy và Nhóm bảo tồn Fundacion Flora y Fauna của Argentina.

Các nhóm bảo tồn cho rằng bảo vệ rừng là một trong những cách hiệu quả nhất để chống biến đổi khí hậu. Những khu rừng như rừng mưa có vai trò như bể chứa carbon, hút carbon ra khỏi khí quyển (Ảnh: Jonathan Kolby, NationalGraphic)

Số tiền quyên góp sẽ được sử dụng như thế nào?

Một trong bốn sáng kiến của Chiến dịch vì thiên nhiên sẽ tập trung vào việc trao quyền cho các nhóm địa phương để quản lý đất đai trong khu vực của họ.

Một nghiên cứu được công bố đầu năm nay trên Tạp chí Nature cho thấy các nhóm bản địa mặc dù chỉ bao gồm 5% dân số toàn cầu nhưng quản lý tới 38 triệu km2 đất. Bằng cách trao quyền cho các nhóm này, các nhà môi trường nói rằng những khu vực hoang dã sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài như phát triển công nghiệp.

Sofia Heinonen, Chủ tịch Fundacion Flora y Fauna cho biết hiện nhóm đang trong quá trình mua diện tích đất có sông băng trên núi của Argentina vốn cung cấp nước sinh hoạt cho những người sống trong khu vực. Với sự đóng góp của Quỹ Wyss, nhóm cũng sẽ đào tạo các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương và tạo ra nhiều cơ hội du lịch sinh thái hơn.

Ngoài việc mua những khu vực hoang dã giàu đa dạng sinh học, Chiến dịch vì thiên nhiên sẽ tài trợ cho khoa học hỗ trợ các biện pháp bảo tồn, lĩnh xướng các chiến dịch nâng cao nhận thức, vận động hành lang với các nhóm chính phủ và quốc tế để nêu lên mục tiêu.

Mark Tercek, Giám đốc điều hành của Nature Conservancy chia sẻ các mục tiêu này sẽ được thảo luận tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), nơi các nhóm này đặt mục tiêu.

Ngoài sự kiện COP diễn ra vào cuối tháng này tại Ai Cập, Tercek cho biết các nhóm bảo tồn đang hướng tới COP 2020 khi các mục tiêu quan trọng mới cho thập kỷ tới sẽ được thiết lập.

Trong một bài bình luận đăng trên tờ New York Times mới đây, Wyss đã giới thiệu chiến dịch “Nửa trái đất” được nhà sinh vật học danh tiếng E.O. Wilson khởi xướng. Chiến dịch này nhằm mục đích dành ra một nửa hành tinh để bảo tồn, một động thái mà Quỹ đa dạng sinh học E.O. Wilson cho là sẽ bảo tồn loài và tạo ra lợi ích sinh thái.

Các sáng kiến khác trong Chiến dịch Wyss mới cũng sẽ tập trung vào việc tạo ra các cuộc vận động nâng cao nhận thức và nghiên cứu khoa học.

Việc giúp mọi người hiểu tại sao thiên nhiên lại quan trọng và cần có nguồn lực để thực hiện là hai trong số những rào cản lớn nhất của công tác bảo tồn – theo nhà khoa học hàng đầu của Hội Địa lý quốc gia Jonathan Baillie.

… và đạt được gì?

“Dành đất để bảo tồn sẽ góp phần chống lại biến đổi khí hậu” – các nhóm môi trường đã kết luận như vậy tại một hội nghị đầu năm ở San Francisco. Các khu vực rộng lớn và có rừng bao phủ như rừng mưa Amazon có vai trò như bể chứa carbon, hút carbon ra khỏi khí quyển. Những vùng hoang dã có lợi cho nhiều loài, kể cả loài người.

Trong một bài báo của tác giả James Watson thuộc Đại học Queensland mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã tiết lộ rằng những hệ sinh thái thực sự hoang dã còn chưa bị ảnh hưởng bởi con người đang biến mất nhanh chóng. Nhiều vùng trong số các khu vực này là chốn tị nạn cho các loài bên bờ tuyệt chủng.

Watson cực lực kêu gọi thiết lập một mục tiêu toàn cầu để bảo vệ các vùng hoang dã và công nhận những di sản thiên nhiên thế giới mới.

Vừa rồi một báo cáo của WWF cũng cảnh báo động vật hoang dã đã giảm 60% trên toàn cầu trong 40 năm qua. Trong đó, mất môi trường sống là một trong những tác nhân lớn nhất của sự suy giảm loài, cùng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Bằng cách đạt được mục tiêu năm 2030 của Liên hợp quốc và cuối cùng là mục tiêu “nửa trái đất” của E.O Wilson, Baillie nói rằng các nhà bảo tồn đang hy vọng có thể ngăn chặn đà suy giảm nhanh chóng đó.

Nhật Anh (Theo Nationalgeographic.com)

Nguồn: