Sinh vật biển phản ứng khác nhau trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Các loài vốn quen với môi trường biển rộng lớn đang mở rộng sang lãnh thổ mới với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các loài từ xưa đến nay vốn định cư trong khu vực nhỏ hẹp. Do đó, các sinh vật sống ở phạm vi hẹp phải đối diện với rủi ro cao gấp đôi khi nước biển nóng lên, có khả năng bị xóa sổ khi xảy ra bất trắc khi không có khả năng tái định cư ở khu vực khác có nhiệt độ thấp hơn, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu trong báo cáo mới đây trên Tạp chí Ecology Letters.

Ảnh minh họa: Tạp chí Conservation
Ảnh minh họa: Tạp chí Conservation

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều loài sinh vật đang phải di cư đến môi trường sống mới. Phản ứng của từng loài vô cùng đa dạng và phức tạp. Một số loài nhanh chóng thích nghi với nơi ở mới, một số khác đang dần mở rộng lãnh thổ, trong khi vẫn còn nhiều loài đang di cư một cách vô định hướng. Để nắm rõ hơn các yếu tố dẫn đến phản ứng khác nhau của các loài động vật, các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu những đặc tính nào đóng vai trò quan trọng gây nên các xu hướng di cư khác nhau.

Các nghiên cứu về động vật trên cạn hiện vẫn chưa đưa ra được quy luật nhất quán, nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Canada và Australia nghi ngờ rằng sinh vật biển sẽ có xu hướng di cư rõ rệt hơn. Để giải đáp nghi vấn trên, các sinh vật biển phía đông Australia, nơi xảy ra tình trạng tăng nền nhiệt nhanh chóng trong vài thập kỉ trở lại đây, đã được lựa chọn để nghiên cứu.

Theo đó, dữ liệu về 104 loài cá và động vật không xương sống đã được thu thập từ nhiều nguồn như từ các kết quả điều tra dưới nước, chương trình giám sát rạn san hô và các nghiên cứu về phạm vi di cư. Từ đó, nhóm nghiên cứu tìm kiếm một vài đặc thù nhất định, bao gồm đặc điểm và phạm vi di chuyển, kích cỡ cơ thể và các yếu tố liên quan đến nguồn thức ăn, đặt trong mối liên hệ với tốc độ mở rộng phạm vi sinh sống của mỗi loài.

Kết quả cho thấy các loài có xu hướng di chuyển trung bình 24km mỗi thập kỉ về phía hai cực. Động vật ưa nơi ở rộng lớn có khả năng mở rộng lãnh thổ nhanh hơn như cá bàng chài Maori, cá mặt trăng đuôi vàng; cá mập hổ thì di chuyển xa hơn, khoảng hơn 92 km trong vòng 10 năm. Các loài ăn tạp hoặc có khả năng bơi cũng có xu hướng mở rộng phạm vi lãnh thổ nhanh hơn.

Việc hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi di cư của động vật là vô cùng quan trọng, giúp các nhà khoa học đưa ra những dự đoán chuẩn xác hơn, từ đó có hướng chuẩn bị cho những thay đổi và phát hiện kịp thời những loài còn bị mắc kẹt.