Nhìn lại công tác chống ngập tại TPHCM (Bài 2)

Bài 2: Thách thức trong quản lý đô thị

ThienNhien.Net – TPHCM đã có rất nhiều nỗ lực chống ngập nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Có nhiều lý do, trong đó có cả nguyên nhân từ tầm nhìn quản lý đô thị.

Thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm

Hệ thống kênh, rạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong thoát nước, chống ngập cho TPHCM. Kênh, rạch vừa đảm nhận chức năng tiêu thoát nước vừa đảm nhận chức năng chứa nước, điều tiết nước cho thành phố mỗi khi mưa xuống, triều lên. Không phải ngẫu nhiên TPHCM đã phải vay tới gần 1 tỷ USD để cải thiện môi trường và chống ngập cho 3 lưu vực: Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, sắp tới còn vay thêm vài trăm triệu USD để cải thiện môi trường, chống ngập cho 2 lưu vực còn lại: Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên và kênh Đôi – kênh Tẻ. Đại bộ phận người dân TPHCM đã rất vui mừng trước sự thay đổi cảnh quan đô thị từ công trình cải tạo các dòng kênh “thối” mang lại. Thế nhưng, không lý giải được tại sao vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức đem rác vứt bừa bãi xuống kênh rạch, ngay cả với những dòng kênh vừa được làm sạch như Nhiêu Lộc – Thị Nghè…

Theo Sở TN-MT TPHCM, không ít lần công nhân làm vệ sinh trên kênh, rạch vớt lên được hẳn chiếc ghế sofa cũ, nệm và cả giường gãy. Hàng năm, TPHCM tốn hàng tỷ đồng cho công tác vớt rác ở một số tuyến kênh, song rác vẫn tràn ngập nhiều kênh, rạch… như thách thức mọi nỗ lực. Chưa kể, hệ thống hố ga thu nước cũng luôn trong tình trạng nghẹt cứng vì rác. Thậm chí, một số người dân còn cố tình lấy gạch, đá, bao tải che cửa hố ga thu nước (vì sợ mùi hôi từ hố ga bốc lên) và khi mưa đến thế là… ngập!

Đối với người dân là sự vô ý thức khi vứt rác xuống kênh, rạch…, còn với nhiều cơ quan có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường là sự thờ ơ, vô trách nhiệm với công tác bảo vệ kênh, rạch. Theo ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi, xâm hại sông, kênh, rạch đã khá đầy đủ. Vấn đề là công tác triển khai thực hiện chưa đồng bộ, kiên trì, hiệu quả. Những bất cập trong công tác triển khai thực hiện các văn bản pháp quy, như thiếu lực lượng kiểm soát và thực thi chế tài… đã được đặt ra từ cách nay nhiều năm. Tuy nhiên, làm gì để khắc phục điều ấy vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp. “TPHCM đã vận động người dân đóng góp, gắn camera quan sát nhằm giữ gìn an ninh trật tự trong khu dân cư. Nhờ động thái này nên tình trạng mất an ninh ở nhiều khu phố đã giảm hẳn. Tại sao giải pháp này không được triển khai dọc các tuyến kênh, rạch để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vứt rác bừa bãi?” – ông Đặng Văn Khoa đặt vấn đề.

Hơn ai hết những người dân sinh sống dọc kênh, rạch, nhất là những tuyến kênh đã được cải tạo, hiểu rõ giá trị về môi trường, cảnh quan của kênh, rạch đối với cuộc sống của họ. Chỉ cần các cơ quan chức năng kiên trì vận động, minh bạch trong đầu tư gắn camera, nhất định người dân sẽ ủng hộ. Hiện nay, TPHCM còn trên 4.000 kênh, rạch thường xuyên bị bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy do bị xả rác, lấn chiếm, san lấp trái phép… Từ năm 2010 đến nay, thành phố có 76 vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm như rạch Văn Thánh, rạch Cầu Bông, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Ông Búp, kênh Liên Xã.

Trạm bơm và xử lý nước Phú Lâm chống ngập bên Kênh Tân Hóa - Lò Gốm. (Ảnh: Cao Thăng)
Trạm bơm và xử lý nước Phú Lâm chống ngập bên Kênh Tân Hóa – Lò Gốm. (Ảnh: Cao Thăng)

Khó cân đối giữa phát triển và bảo vệ môi trường

Khoảng 5 năm trước đây, Phó GS-TS Hồ Long Phi, nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), đã có một nghiên cứu cho thấy, ngay cả những khu vực có nền đất cao như quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn… cũng đã bắt đầu bị ngập. Tiến trình đô thị hóa, bê tông hóa, nhiều kênh rạch bị san lấp để xây dựng là nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng này. Thế nhưng, đối với một thành phố đang phát triển như TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, quá trình đô thị hóa là tất yếu. Bất cập ở đây chính là TPHCM đã không xác định được những khu vực cho phép xây dựng và những khu vực kênh, rạch cần bảo vệ. Chỉ hơn chục năm gần đây, TPHCM mới xác định rõ ranh cắm chỉ giới hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch và có quy định cấm san lấp kênh, rạch để xây dựng công trình. Trường hợp cần san lấp, chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống cống thoát nước có năng lực thoát nước tương tự kênh, rạch hoặc hồ điều tiết nước bù lại. Các quy định này đã phát huy hiệu quả trên thực tế, tuy nhiên, đáng lo là vẫn có hàng ngàn hécta diện tích kênh, rạch tiếp tục bị san lấp, lấn chiếm cho các dự án phát triển bất động sản hoặc đơn giản đã bị một số người dân tự động san lấp, không thể phục hồi lại được bởi chi phí quá cao. Mới đây, một trong những phương án chống ngập được TPHCM dự định triển khai là đào lại kênh Hàng Bàng, nhưng ước tính chi phí ban đầu đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng… Để không phải mất thêm những khoản chi như thế này, đã đến lúc chúng ta cần mạnh tay hơn trong việc bảo vệ những sông, kênh, rạch… còn lại!

Hướng Nam được coi là hướng thoát nước chính của thành phố. Để phát triển đô thị về hướng Nam, đồng thời vẫn đảm bảo tiêu thoát nước, TPHCM đã thuê tư vấn đến từ nước Mỹ làm quy hoạch phát triển đô thị. Dự án quy hoạch do tư vấn Mỹ thực hiện đặt ra yêu cầu: Phải bảo vệ tối đa hệ thống kênh, rạch và phát triển đô thị theo hướng nén để tiết kiệm đất… Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, như ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TP, người trực tiếp tham gia thẩm định đồ án quy hoạch trên, chia sẻ với Báo SGGP cách đây chưa lâu: Đến khu Nam bây giờ, ông gần như không nhận thấy dấu ấn của đồ án này. Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp… Có nhiều nguyên nhân đưa đến thực tế này và sự hấp dẫn trong phát triển đô thị ở khu Nam chắc chắn là nguyên nhân quan trọng. Trước sự hấp dẫn ấy, hẳn rất khó từ chối các nhà đầu tư, nhất là khi TPHCM cũng rất cần sự có mặt của họ trong quá trình phát triển của mình. Thách thức trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và chống ngập nói riêng trước yêu cầu phát triển là vậy…