Hệ lụy mất rừng và trách nhiệm quản lý – Bài 1

Bài 1: Đại ngàn bị xẻ thịt, thiên nhiên nổi giận

ThienNhien.Net – Phá rừng được xem là một trong những nguyên nhân chính “góp phần” làm tình trạng lũ lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, những vạt rừng xanh đầu nguồn bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị xẻ thịt không thương tiếc khiến người dân đã, đang hứng chịu hậu quả. Đáng nói hơn, những dự án thủy điện được cho là mang lại quyền lợi về kinh tế nhưng lại đang trực tiếp phá rừng.

Hàng trăm, hàng nghìn khúc gỗ quý có đường kính từ 50 đến 70cm, thậm chí gần 100cm trôi dạt trên các dòng sông mỗi đợt lũ lụt lớn cho thấy rừng đầu nguồn đang bị xâm hại, “lâm tặc” đang hoành hành. Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở nhiều nơi, thậm chí một số người có trách nhiệm còn “tiếp tay” cho sai phạm, làm cho tình trạng phá rừng càng thêm trầm trọng.

Lá phổi xanh đang bị tàn phá…

Câu chuyện quản lý, bảo vệ “lá phổi xanh” đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm, trong đó đáng báo động nhất là rừng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có khoảng 13,1 triệu hécta rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm chủ yếu, với hơn 10 triệu hécta. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong tổng diện tích rừng tự nhiên có đến hơn một nửa là rừng nghèo, rừng được tái sinh, những cánh rừng được coi là quý giá như rừng nguyên sinh, rừng già lại chỉ chiếm chưa đầy 10%. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích rừng bị tàn phá đã lên đến 1.700ha (số vụ vi phạm giảm tới gần 70% so với cùng kỳ), trong đó do hành vi phá rừng hơn 700ha, còn lại do cháy. Đáng nói, con số này chỉ là những thống kê của lực lượng kiểm lâm, thực tế tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp hơn nhiều. Điển hình là tại khu vực Tây Nguyên, trong 5 năm (2007 – 2012), diện tích rừng toàn khúc vực bị tàn phá gần 130 nghìn hécta, trong đó rừng tự nhiên “biến mất” khoảng 107 nghìn hécta, rừng trồng mất 22 nghìn hécta, trung bình mỗi năm mất hơn 25,7 nghìn hécta. Thực tế ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, diện tích rừng bị giảm mạnh là do xây dựng quá nhiều công trình thủy điện, chuyển rừng nghèo sang trồng cao su… Thống kê từ các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, trong 5 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án trên đất lâm nghiệp với diện tích gần 216 nghìn hécta, trong đó có khoảng 100 nghìn hécta chuyển sang trồng cao su.

Một hình ảnh khiến chúng ta đau xót nhất là cứ sau mỗi trận lũ lụt lớn, nhất là ở khu vực miền Trung, hàng trăm súc gỗ quý, trong đó có cả cây gỗ nguyên, gỗ xẻ hộp từ đầu nguồn các dòng sông trôi về. Ngay trong các đợt lũ tháng 9, tháng 10 và tháng 11-2013, nhiều địa phương ở khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi… người dân đã có dịp đua nhau đi vớt “lộc trời”. Thậm chí, nhiều “lâm tặc” còn lợi dụng khi mưa bão vận chuyển gỗ để tránh con mắt kiểm tra của lực lượng chức năng. Câu hỏi đặt ra là bên trong những cánh rừng già đại ngàn, nơi thượng nguồn các dòng sông, điều gì đang âm thầm diễn ra?

Tại Thủ đô Hà Nội mặc dù có diện tích rừng nhỏ, khoảng 24.500ha (phân bổ ở 7 huyện, thị xã), được canh phòng nghiêm ngặt với đầy đủ các lực lượng như kiểm lâm, chính quyền và người dân địa phương nhưng thiệt hại về diện tích rừng hầu như năm nào cũng xảy ra, chủ yếu do cháy rừng gây nên. Thống kê từ đầu năm đến nay của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, trên địa bàn đã xảy ra 29 vụ cháy, thiêu rụi hơn 31ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Đáng kể nhất là chỉ trong vòng hơn một tháng, (từ ngày 20-9 đến 25-10-2013) các khu rừng của huyện Sóc Sơn đã xảy ra 7 vụ cháy, thiêu rụi khoảng 10ha rừng. Vụ cháy gần đây nhất ngày 3-11, tại khu rừng do Công ty TNHH một thành viên Nông, lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý, thiệt hại gần 1ha rừng thông và keo…

091213_RưngHậu họa – nhân tai?

Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn đói kém, nạn voi bỏ rừng về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản; gây ra bão lụt, lũ quét, lở đất… Rừng bị tàn phá có nhiều nguyên nhân và ở nhiều dạng khác nhau. Trong đó hành vi “công khai” phá rừng làm thủy điện đang được dư luận cho rằng là một trong những lý do chính. Các thống kê cho thấy, để sản xuất ra 1MW điện phải đánh đổi từ 6 đến 10ha rừng và có thể cao hơn, tùy từng vùng miền. Trong khi đó theo các quy định, các chủ dự án thủy điện phải trồng rừng bồi hoàn, thì nhiều dự án tại miền Trung đến nay chỉ mới trồng rừng bồi hoàn kiểu qua loa chiếu lệ, đạt 5-10%. Nguy hại nhất là đã có những dự án thủy điện ở khu vực miền Trung chỉ mượn cớ làm thủy điện để hợp pháp phá những cánh rừng nguyên sinh, trong khi điện thì chưa thấy đâu!

Chúng ta đã chứng kiến những cảnh tang thương từ những trận lũ ống, lũ quét gây ra quét sạch cả những bản làng ở khu vực miền núi, nhiều người dân thiệt mạng. Đi tìm căn nguyên, câu trả lời chính do bàn tay con người phá rừng đã khiến thiên nhiên cuồng nộ. Và, năm 2013 chúng ta đã chứng kiến rõ nhất điều này, trong đó nhiều trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra gây ra những hậu họa rất lớn cho người dân. Tàn khốc nhất là trong khoảng thời gian đầu tháng 9, khu vực Tây Bắc liên tục xảy ra các trận lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng, khiến hàng chục người chết và mất tích. Trong đó trận lũ quét nặng nhất ở Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai khiến hơn 10 người thiệt mạng. Hoặc mới đây vào trung tuần tháng 10 năm 2013, những trận lũ lụt lịch sử ở khu vực miền Trung cũng gây những tổn thất nặng nề. Tại xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong trận lũ quét diễn ra vào trung tuần tháng 10, chỉ sau hơn 2 giờ, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 3 người, 500 hộ dân bị cuốn trôi hết tài sản, nhà cửa, làng mạc xơ xác. Thêm nữa, trong khoảng đầu tháng 11, một đợt lũ lụt lịch sử đã xảy đến với các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên với tốc độ nhanh, khốc liệt mà nguyên nhân do các công trình thủy điện nhỏ và vừa ở đầu nguồn xả lũ, do chính rừng đầu nguồn bị tàn phá. Nhận định về tình trạng này, một chuyên gia khí tượng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới lũ quét là do rừng bị chặt, tàn phá nhiều thành đồi trọc, nên đã làm hạn chế việc giữ nước, làm tăng khả năng xảy ra lũ quét.