Đề xuất bổ sung dự án được vay vốn tín dụng đầu tư, xuất khẩu

ThienNhien.Net – Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước. Trong đó, Bộ đề xuất loại bỏ, đồng thời cũng bổ sung một số dự án được vay vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu.

Bộ Tài chính cho biết, Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu được xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bao gồm các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp nông thôn; xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đối với hoạt động tín dụng xuất khẩu, tập trung vào những ngành hàng quan trọng đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Đồng thời, cần loại khỏi danh mục vay vốn dự án thuộc một số ngành, lĩnh vực không còn cần thiết phải hỗ trợ hoặc hỗ trợ không phát huy được hiệu quả như các dự án có tính thương mại cao, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường…

Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất loại bỏ một số dự án được vay vốn tín dụng đầu tư như: Dự án đầu tư hạ tầng, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới và thiết bị trong lĩnh vực xã hội hóa văn hóa và thể thao; Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu chế xuất, khu công nghệ cao do các dự án này có tính thương mại cao, không cần Nhà nước hỗ trợ; Dự án đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ, với công suất nhỏ hơn hoặc bằng 50MW thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư chế biến sâu từ quặng khoáng sản…

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất thêm những dự án được vay vốn tín dụng đầu tư bao gồm: Nhà máy chế biến thủy-hải sản sử dụng công nghệ cao; nhà máy sản xuất muối công nghiệp; dự án sản xuất các sản phẩm phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; dự án thủy điện có công suất từ 50MW trở lên đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc chương trình 135 và các xã biên giới thuộc chương trình 120, các xã vùng bãi ngang…

bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (Ảnh: tietkiemnangluong.vn)
Lĩnh vực bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng thuộc Danh mục dự án được vay vốn tín dụng đầu tư, xuất khẩu (Ảnh minh họa: tietkiemnangluong.vn)

Gạo, cao su được vay vốn tín dụng xuất khẩu

Đối với các Danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu, Bộ Tài chính đề xuất loại bỏ nhóm các mặt hàng: Bóng đèn, tàu biển do mặt hàng bóng đèn kim ngạch xuất khẩu nhỏ; mặt hàng tàu biển thực tế không triển khai được do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vay vốn và năng lực thực hiện của các nhà máy đóng tàu trong nước còn hạn chế.

Đồng thời, Bộ đề xuất bổ sung nhóm các mặt hàng gạo, cao su. Theo Bộ Tài chính, các mặt hàng này phù hợp với định hướng phát triển mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thực tế, hiện nay Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đang cho vay đối với mặt hàng gạo với số doanh số cho vay gần 2.000 tỷ đồng theo chương trình hợp tác của Chính phủ.

Vay tối đa 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, chủ đầu tư có dự án thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, nhà xuất khẩu có nhu cầu vay vốn để xuất khẩu hàng hóa thuộc Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu sẽ được vay vốn nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định.

Theo dự thảo, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu cũng sẽ được vay tín dụng xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề xuất cụ thể giới hạn vay đối với những đối tượng này.

Cụ thể, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động); mức vốn cho vay tín dụng xuất khẩu tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng ủy thác xuất khẩu, chi phí thức ăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đơn vị thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước). Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp đặc biệt, mức cho vay, tổng mức cho vay vượt quá giới hạn trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.