Thách thức môi trường xuyên biên giới Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Đông Nam Á có một vị trí chiến lược. Đất đai và tài nguyên của vùng đất này có vai trò quan trọng không chỉ với Châu Á mà với cả thế giới. Tuy nhiên, ngoài những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế và xã hội với tác động không dừng lại ở một quốc gia, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường xuyên biên giới.

Đông Nam Á chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc thảo luận về môi trường toàn cầu vì đây là vùng đất có mức độ đa dạng sinh học và tỉ lệ các loài sinh vật quý hiếm cao. Là vùng đất sở hữu 4 trong số 20 điểm nóng về đa dạng sinh học song tốc độ phá rừng ở Đông Nam Á cũng cao nhất trong các khu vực nhiệt đới chính. Các nghiên cứu cho thấy khu vực này có thể sẽ mất 75% diện tích che phủ rừng nguyên sinh và 42% đa dạng sinh học vào năm 2100.

Theo thống kê, Đông Nam Á có khoảng 20 loài động thực vật nguy cấp, 686 loài cây có mạch, 91 loài cá, 23 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, 116 loài chim và 147 loài động vật có vú đang bị đe dọa.

Trong rất nhiều vấn đề môi trường mà Đông Nam Á đang phải đối mặt, có 4 vấn đề có tính chất xuyên biên giới, bao gồm khói mù và ô nhiễm xuyên biên giới, quản lý nguồn nước ở tiểu vùng sông Mê Kông, vấn đề môi trường ở vùng biển Đông và việc trao đổi thương mại nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Khói mù và ô nhiễm xuyên biên giới

Trong khi tại một số vùng ở Đông Nam Á, hiện tượng cháy rừng có thể xuất phát từ những nguyên nhân tự nhiên như sấm sét hay đốt rừng làm nương rẫy, thì bằng chứng thực nghiệm thu thập được từ những nghiên cứu lớn cho thấy tại Indonesia phần lớn những thảm họa cháy rừng xuất phát từ các đồn điền cây cọ dầu quy mô lớn với mục đích thương mại.

Thêm vào đó, trong khi những yếu tố tự nhiên có thể làm cho hậu quả cháy rừng tệ hại hơn, như hiện tượng El Nino năm 1997-1998, thì chính sự thiếu ý chí chính trị đã cản trở các chính sách chống cháy rừng hiệu quả. Và điều đáng nói là hậu quả cháy rừng không chỉ ảnh hưởng đến những người dân địa phương và hệ sinh thái ở Indonesia, mà còn có tác động đến các quốc gia khác.

Cháy rừng được xem là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học ở Đông Nam Á. Tác động của những đám cháy ở Indonesia lên sức khỏe và sức sản xuất của các nước trong khu vực, đặc biệt là Malaysia, Singapore, Thái Lan, và trên phạm vi hẹp hơn là ở Myanmar và Việt Nam cũng nghiêm trọng không kém. Chỉ tính riêng giai đoạn 1997-1998, cháy rừng đã ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người và gây ra thiệt hại ước tính từ 4,5 đến 9,3 tỉ USD.

Ảnh: Todayonline.com
Ảnh: Todayonline.com

Quản lý nguồn nước tiểu vùng sông Mê Kông

Không giống như hiện tượng khói mù, khi vấn đề xuất phát từ Indonesia và ảnh hưởng tới các quốc gia khác trong khu vực, tính chất xuyên biên giới của vấn đề quản lý nguồn nước nằm ở chính trạng thái tự nhiên của sông Mê Kông. Bắt nguồn từ vùng cao nguyên Tây Tạng thuộc Vân Nam, Trung Quốc chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, bất kỳ một sự can thiệp nào từ các quốc gia trong việc quản lý nguồn nước sông Mê Kông dù chỉ để đáp ứng nhu cầu của chính quốc gia đó, đều gây ra các ảnh hưởng xuyên biên giới.

Vấn đề chính trong việc quản lý nguồn nước ở tiểu vùng sông Mê Kông là những lợi ích cạnh tranh trong sử dụng tài nguyên nước. Ở những phụ lưu phía trên của con sông như những nhánh sông ở Vân Nam, Myanmar và thượng Lào là sự cạnh tranh giữa thủy điện và tưới tiêu. Chẳng hạn, ở Lào, nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp có thể phải nhường chỗ thủy điện để thu nguồn ngoại tệ nhờ xuất khẩu điện cho nước láng giềng Thái Lan.

Ở Campuchia, sự cạnh tranh lợi ích tồn tại giữa đánh bắt cá tự nhiên và đánh bắt cá thương mại – hai phương thức khai thác đều dẫn sự suy thoái nguồn tài nguyên thủy sản ở sông và hồ Tonle Sap.

Ở Việt Nam, vấn đề chủ yếu nằm ở sự cân bằng mong manh giữa một bên là nhu cầu cuộc sống của con người, cụ thể là nhu cầu về nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt gia đình của 18 triệu người sống trong vùng châu thổ sông, cùng với sự cần thiết phải kiểm soát lũ lụt, đảm bảo hệ thống tưới tiêu và một bên là nhu cầu bảo tồn tài nguyên của một hệ sinh thái nhạy cảm.

Do đó, vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên và xung đột trong khu vực là quan hệ mỏng manh giữa những nhu cầu sinh kế của người dân địa phương và dự án phát triển tài nguyên và cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Sự ảnh hưởng qua lại phức tạp ở nhu cầu đối với nguồn tài nguyên đã trở thành thách thức về mặt sinh thái học. Đồng thời, những lựa chọn của các quốc gia và cộng đồng hạ lưu, trên thực tế, có thể phải chịu sức ép bởi những chọn lựa và đặc quyền của các quốc gia và cộng đồng trên thượng lưu. Nhịp lũ và mức phù sa, cũng như chất lượng nguồn nước xuống hạ nguồn, chẳng hạn, sẽ bị ảnh hưởng bởi các dự án cơ sở hạ tầng trên thượng nguồn.

Vấn đề liên quan đến môi trường ở Biển Đông

Ngoài tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Philippin, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc, trong khu vực cũng tồn tại những vần đề xuyên biên giới có liên quan đến môi trường.

Hiệp hội quản lý môi trường vùng biển Đông Á (PEMSEA ) đã đưa ra ba lý do lý giải vì sao những vấn đề về môi trường ở vùng biển Nam Trung Quốc lại có tính chất xuyên biên giới.Theo đó, lý do đầu tiên là do tài nguyên biển tồn tại và luân chuyển qua nhiều nước. Thứ hai, những hoạt động tại môi trường biển như hàng hải, đánh bắt cá và sự di cư của các sinh vật ngoại lai liên quan đến nhiều quốc gia. Và cuối cùng, đại dương là môi trường mà qua đó những chất gây ô nhiễm có thể dễ dàng lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng với 11% rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, 48% bị ảnh hưởng và 80% bị đe dọa. Hệ sinh thái cây đước cũng bị phá hủy nghiêm trọng, với khoảng 70% diện tích che phủ đã bị mất. Loài tảo biển cũng bị suy thoái nghiêm trọng từ 20 đến 60%.

Những mất mát này có ảnh hưởng xuyên biên giới. Chúng ta đều biết các lớp tảo biển ở một quốc gia và hệ sinh thái san hô ở gần đó có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và sự phụ thuộc này có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của đàn cá đến vùng đất đánh bắt cá thông thường của một quốc gia khác.

Giao thông đường biển phát triển cũng mang lại những nguy cơ như sự cố tràn dầu hay ô nhiễm nguồn nước xuyên quốc gia.

Thêm vào đó, các tàu vận tải nước ngoài có thể mang theo nước dằn tàu có chứa các sinh vật ngoại lai rồi được đổ xuống giữa biển hay tại các bến tàu. Điều này có thể đe dọa sức khỏe của cả con người và hệ sinh thái, và có thể là nguyên nhân đóng góp thêm vào sự suy thoái của môi trường biển.

Trao đổi thương mại nguồn tài nguyên thiên nhiên

Đông Nam Á được coi là trung tâm buôn bán trao đổi tài nguyên thiên nhiên lớn, chủ yếu là động vật hoang dã. Bên cạnh thị trường lớn là Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác vẫn tồn tại một thị trường sôi động không kém trong lòng Đông Nam Á. Tính riêng Singapore, trong năm 2000 đã nhập khẩu tới 7.093 động vật sống và xuất khẩu 301.905 bộ da thú.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy ngành thương mại này phát triển là nhu cầu về động thực vật cho các bài thuốc cổ truyền. Đây là nguyên nhân gây ra những mất mát nghiêm trọng cho các sinh vật hoang dã trong khu vực, như hổ Sumatran. Trong khi thống kê về số lượng loài hổ tại khu vực trong tự nhiên chỉ còn lại khoảng 500 con thì nhu cầu về xương hổ dùng trong y tế vẫn ở mức cao. Từ năm 1975 đến năm 1992, Indonesia đã cung cấp 60% nhu cầu thị trường xương hổ ở Hàn Quốc, tương đương khoảng 6.128kg.

Ngành công nghiệp vật nuôi cảnh trong nhà đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á cũng là nguyên nhân đẩy loài chim sáo đá Bali, một loài động vật đặc hữu chỉ có ở đảo này, đến nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn tài nguyên được trao đổi chủ yếu khác trong khu vực là gỗ với các nhà cung cấp chính nguồn gỗ hợp pháp là Lào, Myanmar, Indonesia và Malaysia. Thái Lan và Philippin đã cấm hoặc hạn chế khai thác gỗ, do đó, trở thành thị trường tiêu thụ mặt hàng này. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy, Thái Lan cũng nhập khẩu gỗ xẻ bất hợp pháp từ Lào và Myanmar.

Các hoạt động buôn bán trái phép ở Đông Nam Á vẫn tồn tại là do nhu cầu tiêu thụ cao, quản lý lỏng lẻo ở các vùng biên giới, sự yếu kém về thực thi pháp luật ở các nước liên quan cùng ý thức trách nhiệm của người dân địa phương.

Trong khi đó, thực tế cho thấy buôn bán và trao đổi các lâm sản và động thực vật hoang dã, bất kể hợp phát hay bất hợp phát đều gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và xã hội.


Trích Báo cáo Transboundary Environmental Governance in Southeast Asia/ The Henry L.Stimson Center