Vùng biển Việt Nam giàu tiềm năng khoáng sản rắn

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sau khi tiến hành điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực địa chất khoáng sản, địa chất môi trường tại độ sâu từ 30 – 100m nước vùng bờ biển Việt Nam, các nhà khoa học phát hiện tiềm năng lớn về tài nguyên địa chất, khoáng sản rắn đáy biển có khả năng khai thác công nghiệp.

Ảnh minh họa: cbcc.org.vn

Báo cáo cho thấy, vùng biển Cửa Nhượng thuộc tỉnh Hà Tĩnh và vùng biển Cửa Gianh có độ sâu từ 50 – 65m nước là khu vực giàu triển vọng về sa khoáng đáy biển Titan. Vùng biển Ninh Chữ thuộc tỉnh Ninh Thuận – Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận với độ sâu từ 30 – 100m nước rất giàu tiềm năng về sa khoáng biển.

Hiện nay các nhà khoa học cũng đã khoanh vùng 4 khu vực có biểu hiện tập trung sa khoáng phân bố trong các đới bờ cổ với lượng tài nguyên dự báo lên tới 23.688.000 tấn quặng ilmenit, zircon. Vùng biển Vũng Tàu đến Côn Đảo có tài nguyên dự báo cát xây dựng là 88 tỷ m 3 .

Cùng với tài nguyên khoáng sản, trước đó các nhà khoa học cũng đã phát hiện và khoanh vùng 27 vùng biển Việt Nam có thể chứa nhiều khí hydrate –  nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá. Khí hydrate đã được các nhà khoa học trên thế giới xếp vào một trong 9 nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Các nhà khoa học địa chất cho rằng, phần lớn địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam có vĩ tuyến trùng với hướng tách giãn của Biển Đông. Tại đây, xuất hiện nhiều núi lửa là dạng địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cao nguyên ngầm, vì vậy có rất nhiều dạng tài nguyên tồn tại. Đây là tin vui cho Việt Nam trước sức ép nguồn khoáng sản trên bờ đang ngày càng cạn kiệt.