Bình Thuận trữ nước chống sa mạc hóa

ThienNhien.Net – Sau khi kết thúc dự án chống sa mạc hóa do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ, hiện Bình Thuận bắt đầu thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thu trữ nước mưa, xây dựng mô hình nông lâm nghiệp kết hợp thủy lợi, góp phần phòng chống sa mạc hóa vùng đất cát khô hạn ven biển” đến năm 2015.

Theo Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận, trong thời gian 3 năm, dự án sẽ triển khai ở 6 xã thuộc 3 huyện trong tỉnh: Lương Sơn, Hòa Thắng, Hồng Phong (Bắc Bình), Hồng Liêm, Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), Chí Công (Tuy Phong), áp dụng công nghệ thu trữ nước mưa và bố trí cây trồng nông lâm kết hợp xây dựng các mô hình trình diễn, với 1- 3 ha/mô hình.

Bà Mai Thanh Nga – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN cho biết: Hệ thống thu trữ nước mưa làm bằng vật liệu xi măng. Các bể chứa nước được gia cố chống thấm với dung tích từ 18 – 20 m3. Riêng phần thu nước là một tấm vải địa kỹ thuật HDPE, được trải lên sườn dốc hướng dòng chảy xuống phía dưới để tập trung chảy vào bể chứa…

Khi các hồ chứa có nước, cây trồng trên vùng đất cát được bố trí theo mô hình “nông nghiệp trú ẩn” (trồng hoa màu dưới cây lâu năm) nhằm tăng khả năng giữ ẩm, chống bốc hơi cho đất. Theo đặc thù tại địa phương, hàng rào trong mô hình sẽ trồng cây dầu lai có khả năng chịu hạn cao, ngăn gia súc không vào phá hoại. Khu vành đai trồng cây neem, khi cao trên 3 mét phát triển nhiều cành lá xanh quanh năm sẽ có tác dụng chắn gió. Bên trong bố trí trồng cây trôm kết hợp xen canh cây nông nghiệp như các cây họ lạc, dưa…, trong đó cây trôm giữ nhiệm vụ chắn gió tầng cao, còn cây nông nghiệp sau khi thu hoạch có thể dùng thân cây bón phủ vào gốc trôm.

Với mô hình này, những vùng đất đồi cát bỏ hoang sẽ được tận dụng canh tác ngay trong mùa khô bằng việc thu trữ nước mưa để tưới bổ sung. Hiệu quả cũng đã ghi nhận từ các mô hình thí điểm: thời gian đầu cho thu nhập 6 – 10 triệu đồng/ha/năm từ cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng khi vườn trôm đã lớn có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo thống kê, Bình Thuận có hơn 80.000 ha đất cát và núi đá khô cằn (chiếm hơn 22% tổng diện tích tự nhiên), lượng mưa thấp nhất cả nước, mùa khô kéo dài 5 – 7 tháng/năm. Hiện nay hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng sa mạc hóa. Vì vậy, việc áp dụng dự án nêu trên sẽ có hiệu quả rất thiết thực cho vùng đất cát khô hạn ven biển Bình Thuận, không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa cải thiện môi trường ở những nơi có nguy cơ sa mạc hóa… Khi triển khai thành công, không chỉ có 6 xã mà hứa hẹn sẽ có thêm nhiều khu vực ven biển từ huyện Hàm Tân đến huyện Tuy Phong được ứng dụng mô hình.