Lở đất ở Trung Quốc – không chỉ là thảm họa tự nhiên

ThienNhien.Net – Cơn mưa dữ dội cuối tuần trước gây lở đất ở huyện Chu Khúc, tỉnh Cam Túc phía Tây bắc Trung Quốc khiến hơn 1000 người thiệt mạng được đánh giá không chỉ là một thảm họa tự nhiên mà còn là hậu quả có thể dự báo từ thái độ thờ ơ đối với môi trường của giới chức Trung Quốc.

Thảm họa lở đất tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ

Thảm họa lở đất sau trận mưa lớn hôm 7/8 đã đưa số người tử vong vì lũ lụt và lở đất ở Trung Quốc mùa hè này lên tới hơn 3000 trường hợp, theo các số liệu chính thức. Đây là mất mát lớn nhất do mưa lũ và lở đất trong vòng hơn một thập kỷ qua của Trung Quốc.

Khu vực phía bắc của Trung Quốc hiếm khi chứng kiến một thảm họa như vậy, kể cả sau một mùa mưa dữ dội bất thường khắp châu Á.

Tính đến tối thứ năm tuần này, con số người chết đã lên tới 1.144 người và 600 người vẫn bị mất tích, theo Tân Hoa Xã. Tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều và vẫn đang tiếp tục tăng.

Các nỗ lực cứu trợ vẫn đang được xúc tiến khẩn trương, song đến nay mưa vẫn chưa dứt, dẫn đến lo ngại rằng có thể còn lở đất còn chưa kết thúc.

Những người sống sót đang phải vạ vật trong những túp lều dưới cơn mưa vẫn xối xả hôm thứ năm vừa rồi sau khi một trận lở đất mới trong đêm đã chặn con đường huyết mạch đến huyện Chu Khúc.

Thêm vào đó, quan chức y tế địa phương cho biết sự lây lan của dịch bệnh cũng là một mối lo lớn hiện nay trong hoàn cảnh các cơ sở y tế và cung cấp nước bị hư hại trong khi xác người và động vật bị chôn vùi dưới bùn đất bắt đầu phân hủy.

Thảm họa đã được báo trước… 13 năm

Chính quyền Trung Quốc cho rằng thời tiết bất ổn là nguyên nhân của vụ lở đất, song các chuyên gia tin rằng phát triển thủy điện và phá rừng trong khu vực đã góp phần vào thảm họa. Họ cho rằng đó là một thảm họa đã được báo trước từ sự phát triển thiếu kiểm soát trong khu vực và nhiều bi kịch tương tự có thể xảy ra ở các khu vực khác của Trung Quốc nếu sự cân bằng của tự nhiên tiếp tục bị coi nhẹ.

Các nhà khoa học Trung Quốc từng cảnh báo rằng phá rừng ở các khu vực địa chất nhạy cảm như vậy có thể gây ra những vụ lở đất nghiêm trọng và thảm họa vừa rồi ở Cam Túc đã chứng minh điều đó.

Trong các năm 1952-1990 đã có hơn 100 nghìn ha rừng trên các sườn dốc bao bọc huyện Chu Khúc bị khai phá, để lộ ra những sườn núi trọc có kết cấu địa chất yếu và khó tránh khỏi xói lở.

13 năm trước, một nghiên cứu do hai nhà khoa học Trung Quốc – Ma Dongtao và Qi Long – công bố đã cảnh báo rằng các hoạt động “phá hủy hệ sinh thái” như vậy sẽ gây ra thảm họa lở đất vùi lấp nhà cửa, đường xá, cầu cống, các công trình nước sạch, hệ thống điện, gây nên chết chóc và thương vong.

Dù vậy, cơn mưa dữ dội đêm 7 tháng 8 vừa rồi ở Trung Quốc với những hậu quả khủng khiếp đã được dự báo từ năm 1997 vẫn khiến tiến sĩ Qi kinh ngạc bởi mức độ của thảm họa. Ông cho biết: “Lở đất là do điều kiện địa chất, nhưng nó trở nên trầm trọng bởi nạn phá rừng. Tôi thật không thể ngờ tới một trận lở đất lớn như vậy.”

Một bản báo cáo năm 2006 của Trường Đại học Lan Châu cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lở đất do phá hủy các cánh rừng bao bọc Chu Khúc để khai thác mỏ, thủy điện, nông nghiệp và các dự án phát triển khác.

Chính quyền bị lên án vì lơ là với các cảnh báo

Theo ông Peng Zongchao – một chuyên gia ứng phó khủng hoảng thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh – rút kinh nghiệm kể từ dịch SARS năm 2003, khi Bắc Kinh bị quốc tế lên án vì sự thiếu trách nhiệm do đã che giấu và lơ là với dịch bệnh, chính phủ đã học được rất nhiều điều về cách quản lý và đối phó với khủng hoảng. Nhờ thế, Chính phủ Trung Quốc đã huy động và tập trung kịp thời các nguồn lực xã hội để ứng cứu vụ thảm họa ở Cam Túc.

Cũng theo nhận định của một số chuyên gia địa phương, các nhà chức trách Trung Quốc đã đảm nhiệm tốt trách nhiệm cứu hộ và cứu trợ sau thảm họa, duy trì được “uy tín” mà họ đã gây dựng sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008.

Tuy nhiên, các nỗ lực sau thảm họa của Trung Quốc không thể làm dịu đi những chỉ trích vì sự lơ là với các cảnh báo về nguy cơ thảm họa sau hàng thập kỷ khai khoáng, khai thác gỗ và phá hủy các dòng sông để làm thủy điện. Chính phủ Trung Quốc đang chịu sức ép dư luận ngày càng tăng sau thảm họa vì điều này.

Giáo sư Fan Xiao – một nhà địa chất hàng đầu của Trung Quốc tại Tứ Xyên cho biết việc xây dựng một tuyến đường cao tốc và hơn 40 đập thủy điện trong vùng những năm gần đây đã gây mất ổn định địa chất nghiêm trọng. Song: “Chính quyền địa phương đã bỏ qua cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của xây dựng đập và coi thủy điện như một nguồn thuế quan trọng, đóng góp tới 50% vào nguồn thu ngân sách. Thiên tai đáng ra phải được ngăn chặn vì đã có những cảnh báo nghiêm túc.”

Trong khi hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đứng cạnh nhân viên cứu hộ được phát đi, giới truyền thông địa phương cũng không quên trích dẫn điệp khúc mà các chuyên gia đã đồng loạt cảnh báo trước kia rằng “một tai họa sắp xảy ra”.

Tin tức từ khu vực xảy ra thiên tai cũng ghi nhận sự tức giận và bất mãn ngày càng tăng của người dân Chu Khúc vì những nỗi đau, những tổn thất và những khó khăn mà họ đang phải chịu đựng, song trên hết là vì tất cả những điều này đã có thể được ngăn chặn nếu chính quyền có một chương trình hành động đúng lúc.

Bạch Dương (tổng hợp)