Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ I

ThienNhien.Net – Dù đã đi vào hoạt động được gần 10 năm, nhưng đến nay, Cụm công nghiệp sản xuất Giấy và Bao bì Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải và nước thải chung. Mọi thải loại từ quá trình tái chế, sản xuất giấy và bao bì đều xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Vì thế không gian nơi đây đã và đang bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.

1 tấn giấy – 2 tạ rác

Với hơn 20 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, Cụm công nghiệp sản xuất Giấy và Bao bì Phú Lâm (gọi tắt là Cụm công nghiệp Phú Lâm) mỗi năm sản xuất khoảng 40 – 50 vạn tấn giấy các loại, trong đó nhiều nhất là giấy crap – giấy dùng cho thùng cat-tông, từ nguyên liệu tái chế.

Theo tính toán của các doanh nghiệp sản xuất giấy tại đây, sản phẩm cuối cùng của chu trình sản xuất giấy ở địa phương chiếm khoảng 75 – 80% khối lượng nguyên vật liệu tái chế ban đầu. Tức là, trung bình cứ 100 tấn nguyên liệu giấy ban đầu, sau khi tái chế sẽ cho từ 75 – 80 tấn giấy thành phẩm, còn lại 20 – 25 tấn sẽ trở thành phế phẩm sau quá trình sản xuất, gồm rác thải rắn, bọt, bụi giấy… Đó là chưa tính lượng nước thải trong quá trình sản xuất.

Như vậy, với nửa triệu tấn giấy thành phẩm mỗi năm, cụm công nghiệp Phú Lâm cũng đẩy ra môi trường hàng chục nghìn tấn rác thải các loại, trong khi Cụm không có hệ thống xử lý rác thải chung.

Nơi xử lý nước thải của mỗi doanh nghiệp đơn thuần chỉ là những bể lắng thô sơ, không có chức năng xử lý. Sau một lần lắng đọng để tái chế lại nguồn nước, lượng nước thải hàng trăm m3/tuần sẽ xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê theo những đường ống dẫn xuyên thân đê.

 
Bể xử lý nước thải của một công ty trong Cụm công nghiệp Phú Lâm. (Ảnh: Tuyết Mai)

“Để sản xuất được 15.000 tấn giấy, chúng tôi cần 18.000 tấn nguyên liệu ban đầu. Trong đó, 3.000 tấn sẽ bị “thất thoát” trong quá trình sản xuất và trở thành phế thải ra môi trường” – ông Nguyễn Nhân Phúc – Phó tổng Giám đốc công ty Giấy và Bao bì Phú Giang thuộc Cụm công nghiệp Phú Lâm cho biết.

Là người từng có thời gian học tập và công tác ở nước ngoài (Nhật Bản), ông Phúc thẳng thắn: Nếu xét theo đúng quy trình xử lý rác và nước thải, thì hầu hết các đơn vị sản xuất giấy ở đây đều không đạt tiêu chuẩn xả thải bảo vệ môi trường.

Cái khó của các doanh nghiệp sản xuất giấy, theo ông Phúc, là việc đầu tư kinh phí lắp đặt một hệ thống máy móc xử lý nước thải hiện đại, đạt chuẩn, lên đến vài tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đó là số tiền không dễ gì thu hồi.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Lý giải việc cụm công nghiệp sản xuất giấy Phú Lâm hoạt động đã chục năm nay trong khi nước thải không được xử lý đúng quy trình vẫn xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng ở địa phương, ông Nguyễn Tiến Nghị – cán bộ Ban Quản lý Khu công nghiệp Tiên Du, phụ trách cụm công nghiệp Phú Lâm – cho rằng, một phần vì Ban quản lý mới được thành lập năm 2004 nên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc quản lý, một phần các dây truyền sản xuất giấy ở đây đa số là nhập lại từ Trung Quốc về lắp ráp lại mà thành, nên trong quá trình vận hành, sẽ tạo ra nhiều phế phẩm và gây ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, việc xử phạt hành chính đối với các công ty thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm về vấn đề gây ô nhiễm môi trường là do Sở Tài nguyên Môi trường và Cảnh sát môi trường tỉnh Bắc Ninh thực hiện, Ban quản lý khu công nghiệp chỉ có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc xả thải của các công ty cụm công nghiệp Phú Lâm và báo cáo lên cơ quan cấp trên.

Trong khi đó, chính ông Nguyễn Tiến Văn – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Lâm cũng thừa nhận: “Các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Cụm công nghiệp Phú Lâm đều chưa xây dựng được hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu, chất thải của doanh nghiệp nào cũng gây ô nhiễm môi trường ở các mức độ khác nhau”.

Năm 2009, Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Ninh, cũng như phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Bắc Ninh đã 2 lần kiểm tra mức độ xả thải của các doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Phú Lâm. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm về xả thải bảo vệ môi trường và đã bị phạt từ 3 – 15 triệu đồng/doanh nghiệp theo mức độ gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, nếu so với hàng nghìn tấn giấy và hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thu được từ kinh doanh giấy, so với hàng trăm tấn rác cũng như hậu quả mà việc xả thải gây ra đối với môi trường và đời sống người dân thì số tiền phạt ấy chỉ như để “tượng trưng”, chưa tạo được áp lực buộc doanh nghiệp phải tuân thu những quy định về xả thải bảo vệ môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất giấy ở Phú Lâm đã được cảnh báo từ những năm 1999 – 2000 (Cụm công nghiệp Phú Lâm vẫn chưa được thành lập), khi Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Kim Chi, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường tiến hành khảo sát và nghiên cứu về mức độ ô nhiễm tại đây. Nhận thấy sự trầm trọng của ô nhiễm, bà đã xây dựng phương án khắc phục và đề xuất đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Giấy và Bao bì Bình Minh.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đến năm 2003 hệ thống xử lý chất thải này đã phải dừng hoạt động vì không đảm bảo được chi phí bảo quản, vận hành, chi phí quản lý cũng như tiền điện…

Và đến nay, cùng với quá trình sản xuất, hàng nghìn tấn rác, nước thải không được xử lý triệt để, vẫn tồn đọng và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho miền quê quan họ này.