Một thỏa thuận khí hậu toàn cầu là chưa đủ

ThienNhien.Net – Tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, cả thế giới đã chờ đợi một thỏa ước toàn cầu nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Và thế giới đã thất vọng. Trong khi các nhà lãnh đạo toàn cầu chưa đạt được bước tiến đáng kể nào để kìm hãm biến đổi khí hậu thì quá trình này sẽ không dừng lại để chờ hành động của con người. Vậy chúng ta có nên tiếp tục ngồi chờ đợi một nghị định thư, một thỏa thuận toàn cầu không? Dưới đây là cuộc phỏng vấn bà Elinor Ostrom – chủ nhân giải Nobel kinh tế 2009 – về cách tiếp cận với vấn đề này và lý do tại sao chúng ta không thể khoanh tay trông chờ các giải pháp từ các nhà lãnh đạo toàn cầu.


Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen hướng tới mục tiêu thiết lập những quy định toàn cầu về cách con người cư xử với Trái đất. Vậy theo bà, người dân có sẵn sàng thay đổi lối sống vì một tương lai bền vững không?

Theo lẽ thường, dĩ nhiên người dân sẵn lòng chấp nhận mọi yêu cầu hay chi phí nếu họ tin rằng tất cả mọi người đều làm như vậy. Con người đủ thông minh để hiểu rằng tương lai lâu dài của chính họ sẽ bị hủy hoại nếu họ không thay đổi lối sống hiện nay. Họ hiểu rằng đây không phải là cuộc chiến tôi đối đầu với anh, mà là tất cả chúng ta chống lại chính mình nếu không hành động. Vì vậy niềm tin đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tạo đủ niềm tin để đồng lòng hành động, thưa bà?

Nếu chỉ nỗ lực từ phía các nhà lãnh đạo thì không đủ. Những mô hình cộng đồng thành công thường có một số nguyên tắc chung do người dân thiết lập, giám sát và phê chuẩn. Những cộng đồng ấy luôn có cơ chế giải quyết xung đột hợp lý và người dân có quyền hạn nhất định trong việc lập nên những quy định cho chính họ. Từ đó người dân có thể tin tưởng lẫn nhau và tin rằng nếu họ hành động vì lợi ích lâu dài cho cộng đồng thì người khác cũng sẵn sàng làm như vậy.

Tại sao việc ban hành các điều luật nghiêm ngặt từ phía chính quyền lại ít mang lại hiệu quả thưa bà?

Bởi lẽ họ không đạt được sự “đồng cảm” từ người dân. Nghiên cứu của tôi cho thấy những khu rừng do người dân quản lý đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với những vườn quốc gia do chính quyền quản lý, nơi người dân bị gạt ra ngoài trong khi nhà chức trách có thể nhận hối lộ. Thử tượng tượng rằng chúng ta sống trong cùng một ngôi làng có luật chung không cho phép vào rừng trong thứ bảy hoặc chủ nhật để khu rừng có thời gian tái tạo và hồi phục. Nếu tôi nhìn thấy bạn vào rừng trong ngày bị cấm, chắc chắn tôi sẽ la lên. Nhưng nếu khu rừng là do chính quyền quản lý, hẳn tôi sẽ im lặng bỏ qua.

Nghiên cứu của bà chỉ tập trung ở cấp độ địa phương và khu vực. Vậy điều gì khiến bà cho rằng giải pháp của bà có thể áp dụng toàn cầu?

Thực tế, việc xây dựng những kiểu quy định như vậy giữa các cộng đồng khác nhau trên quy mô toàn cầu là một thử thách. Chúng ta cần sự trợ giúp từ các nhà lãnh đạo toàn cầu để tạo ra những quyết định xứng tầm. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đã bàn thảo và tạo được sự tin tưởng nhất định bởi họ đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, sau đó họ lại về nước, mà đó mới là thời điểm để bắt đầu những hành động thực sự.

Liệu có thể dùng tài chính để tạo lòng tin giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển?

Có thể, vì khó lòng đạt được một thỏa thuận về khí hậu nếu thiếu nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, tôi cũng rất lo ngại nạn tham nhũng. Nếu chúng ta rót tiền vào một quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao, chắc hẳn một phần số tiền ấy sẽ rơi vào túi riêng một số người. Thoạt tiên đề cương vạch ra trên bàn thảo luận có thể rất hoàn hảo, nhưng sau đó 4-6 năm, có thể bạn sẽ thấy xuất hiện rất nhiều tài khoản của các nhà chức trách này tại ngân hàng Thụy Sĩ. Do đó, cái chúng ta cần là các điều luật chặt chẽ và khả năng kiểm soát tốt để bảo đảm hàng tỷ đồng chúng ta đầu tư được dùng hợp lý.

Nói cách khác, những đội đặc nhiệm chống tham nhũng như mô hình ở Indonesia có thể cũng sẽ là cơ quan bảo vệ môi trường hữu hiệu nhất?

Chính xác! Nếu bạn quan sát cách mà các quan chức tham nhũng lách luật, vi phạm luật bảo vệ rừng để giao những cánh rừng vào tay các tập đoàn kinh tế, bạn sẽ hiểu rằng tham nhũng chính là nguyên nhân chính dẫn khiến môi trường bị hủy hoại.

Liệu có khả năng bảo vệ khí hậu chỉ với một nghị định?

Câu trả lời là một nghị định không thể giải quyết triệt để vấn đề. Đó là lý do tại sao tôi đề xuất cái gọi là phương thức tiếp cận đa mục tiêu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần sự góp sức của tất cả các tổ chức xã hội của loài người để đạt được hiệu quả lâu dài. Tất cả các thành phố, làng mạc. cộng đồng và các mạng lưới đều phải tham gia!

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đạt được thỏa ước nào?

Chúng ta cần gạt bỏ ý tưởng rằng chỉ có một giải pháp duy nhất ở quy mô toàn cầu. Sẽ có rất nhiều, rất nhiều cấp độ và chúng ta cần hành động ở những cấp độ nhỏ hơn. Nếu các nhà lãnh đạo không đạt được gì từ hội nghị Copenhaghen, chúng ta phải nói cho họ biết rằng chúng ta đã rất mệt mỏi khi phải chờ đợi họ bằng cách thiết lập các thỏa ước khác.

Cách tiếp cận riêng lẻ này xem chừng diễn ra rất chậm trong khi chúng ta cần những hành động khẩn cấp nếu muốn hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C.

Nếu chúng ta chỉ ngồi yên và chờ đợi quyết định từ phía các vị lãnh đạo thì sẽ rất chậm trễ. Tôi không cho rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề triệt để, nhưng chúng ta có thể đạt được những thành công nhất định. Giả dụ, mọi người đều có thể liên hệ với các chính trị thiếu sáng suốt và phản đối hành động chống biến đổi khí hậu của họ.

Theo bà, tại sao Mỹ lại chần chừ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến một số người cho rằng Mỹ không đủ khả năng chi trả cho các chiến dịch môi trường. Nhưng nếu chúng ta không hành động ngay, chúng ta thậm chí sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong tương lai. Tất nhiên, không thể không nói đến những “di chứng” của thời kỳ George W. Bush. Trong 8 năm, Nhà trắng đã không hề coi trọng vấn đề môi trường. Chúng ta không có những nhà lãnh dạo Mỹ hiểu rằng đó là nền tảng khoa học. Điều này cũng chẳng mấy dễ dàng với Obama, người được cho là có hiểu biết sâu sắc hơn về khoa học.

Ngày nay người dân đã dần nhận thức được rằng bầu khí quyển của trái đất là tài sản chung cần được bảo vệ. Vậy thử thách tiếp theo của chúng ta là gì thưa bà?

Đại dương. Các đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy – đó là thảm họa khôn lường. Các nguồn tài nguyên biển bị tận khai và con người xả các loại rác thải, bao gồm cả khí CO2 xuống lòng đại dương với khối lượng lớn. Các quy định pháp luật về biển không hề phát huy tác dụng nên nhiều tàu đánh bắt cá hoạt động như những tên cướp biển. Do đó, quản lý đại dương tốt hơn cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu để bảo vệ tương lai.

Xin cảm ơn bà!