NASA, Google và mục tiêu giám sát khí thải, phá rừng

ThienNhien.Net – Sau hàng loạt hội nghị quốc tế và cam kết của các quốc gia về phát thải khí nhà kính, câu hỏi hóc búa nhất đặt ra là làm thế nào để thế giới biết rằng các quốc gia có đang thực hiện các cam kết của mình hay không? Câu trả lời đến nay vẫn còn bỏ ngỏ bởi chúng ta chưa có một hệ thống chính xác đo lường lượng khí phát thải.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), một tổ chức lớn mạnh của những năm 1960 cùng với Google, công ty tiên phong của thế kỷ 21, đang nỗ lực giúp thế giới kiểm soát lượng phát thải CO2 và mức độ tàn phá rừng, nguyên nhân khiến trái đất nóng lên.

Đối với NASA, điều này vừa là cơ hội song cũng là một nỗi hổ thẹn. NASA từng sở hữu Vệ tinh Quan trắc Quỹ đạo Carbon có khả năng quan sát các điểm phát thải CO2, tuy nhiên buổi phóng vệ tinh trị giá 280 triệu USD này vào đầu năm nay đã thất bại khi nó đâm sầm xuống vùng biển Nam cực lạnh lẽo.

Trưởng ban Khoa học Trái đất của NASA, Micheal Freilich, cho biết, nếu được cấp thêm kinh phí, NASA có thể chế tạo được một bản sao vệ tinh trị giá 330 triệu USD.
 
Steve Pacala, giám đốc Viện Môi trường Princeton thì cho rằng: “Chỉ có cái thứ bay vòng vòng quanh Trái đất này mới khiến con người hành động khác đi.”

Trong khi đó, Google đã khởi động một chương trình mới mang tên Động cơ Trái đất, một kho dữ liệu vệ tinh và các dữ liệu khác mà các nước có rừng có thể truy cập miễn phí cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Mexico vào năm tới.

Phá rừng là nguyên nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu tại các quốc gia phát triển và các quốc gia công nghiệp đang có dự án chi hàng tỷ USD cho các nước nghèo để ngăn chặn phá rừng. Hệ thống của Google có thể giúp con người theo dõi và bảo vệ rừng.

Brain McCLen, phó giám đốc kỹ thuật của nhóm Geo thuộc Google, người đã trình bày chương trình trên tại COP15 vừa diễn ra trung tuần tháng 12, cho biết phương pháp này hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo Sen. John Kerry, trưởng Ban Đối ngoại Mỹ, công nghệ đơn thuần không thể giúp giải quyết vấn đề. Điều quan trọng hơn là cam kết cắt giảm khí thải và sự hợp tác giữa các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
 
Tại Hội nghị Copenhagen, trong khi đoàn đám phán của Trung Quốc khẳng định rằng họ có cơ chế minh bạch thông tin về cách thức giải quyết biến đổi khí hậu và khí nhà kính, các nhà đàm phán vẫn tỏ ra nghi ngại. Một phần vì Trung Quốc có rất nhiều nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là họ có nhiều nhà máy có quy mô nhỏ tới nỗi khó lòng kiểm soát và xác định lượng khí thải CO2 từ đó.

Các ước tính về lượng phát thải CO2 hiện nay vốn dựa trên nguồn nhiên liệu đầu vào và hiệu suất của các nhà máy năng lượng. Tuy nhiên những tính toán này lại đòi hỏi các thông tin chính xác, nếu không kết quả rất dễ bị sai lệch.

Vệ tinh của NASA được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này và NASA đang chờ đợi sự phê chuẩn của Nhà Trắng cho kế hoạch thiết kế vệ tinh mới, được dự tính sẽ hoàn thành trong 28 tháng.

Việc xác định nguồn gốc phát thải CO2 là rất cần thiết cho chương trình thương mại carbon nhằm làm giảm phát thải. Đồng thời, việc đo lường lượng CO2 cũng rất quan trọng cho kế hoạch ngăn chặn phá rừng, vốn là một thử thách, bởi phá rừng diễn ra tại hầu hết các quốc gia nơi tệ nạn tham nhũng còn hoành hành và có hệ thống kiểm soát thiệt hại rừng còn yếu kém.