Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Ngày 02/11/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.


Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; quá thời hiệu trên sẽ không xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm mà chỉ áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả. Ngoài các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, người vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như trồng lại rừng bị thiệt hại hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng, buộc tháo dỡ hoặc thanh toán chi phí tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong rừng, buộc thanh toán chi phí chữa cháy rừng hoặc chi phí khắc phục hậu quả do sinh vật hại rừng gây ra…

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm được quy định cụ thể như sau: phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi mang dụng cụ thủ công, cơ giới vào rừng để săn bắt động vật rừng (chim, thú, các loài thủy sinh) hoặc săn bắt động vật trong mùa sinh sản; người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu gây hậu quả cháy rừng đặc dụng dưới 1.000m2 hoặc cháy rừng phòng hộ dưới 1.500m2 hoặc cháy rừng sản xuất dưới 2.000m2; người chăn thả gia súc trong những khu rừng đã có quy định cấm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 01 triệu đồng nếu chăn thả gia súc trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu rừng đặc dụng; nếu chăn thả gia súc trong rừng trồng dặm cây con, rừng trồng mới dưới ba năm, rừng khoanh nuôi tái sinh thì phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng; những người này còn có thể bị buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí để trồng lại rừng bị thiệt hại do gia súc gây ra.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ.