Hội nghị lần thứ 24 của Uỷ ban Động vật thuộc CITES

ThienNhien.Net – Hội nghị lần thứ 24 của Uỷ ban Động vật thuộc Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã (CITES) đã được tổ chức tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ từ 20 đến 24/4/2009. Hội nghị được triệu tập nhằm hướng dẫn, tư vấn cho các bên tham gia Công ước và đề cử Ban Thư ký, hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan tới động vật.

Một loạt các vấn đề khác nhau đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Một trong những vấn đề nổi bật được bàn thảo liên quan đến cá heo mũi chai Ấn Độ – Thái Bình Dương và cá heo xám ở đảo Solomon.

Tại cuộc họp năm 2008, Israel đã đề xuất đưa những loài cá heo này vào Review of Significant Trade (Bản đánh giá tình trạng buôn bán các loài có nguy cơ bị đe doạ) do mối lo ngại về sự mất cân đối số lượng động vật bị buôn bán so với số lượng loài còn tồn tại. Nhóm chuyên gia về cá voi đã được yêu cầu tiến hành một cuộc hội thảo độc lập để điều tra số lượng loài này và xác định phương pháp đánh giá một cách chặt chẽ vào tháng 8 năm 2008.

Tại Hội nghị lần này kết quả của cuộc hội thảo độc lập trên đã được trình bày và sau nhiều thảo luận Hội nghị đã đi đến thống nhất đưa loài cá heo mũi chai Ấn Độ – Thái Bình Dương và cá heo xám đảo Solomon vào Review of Significant Trade. Ban Thư ký cũng khuyến cáo chính quyền đảo Solomon áp dụng hạn ngạch xuất khẩu chặt chẽ hơn.

Cá mập cũng là loài động vật được bàn thảo kỹ lưỡng tại Hội nghị cùng với sự có mặt của Nhóm chuyên gia về cá mập của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do Sarah Fowler và Patricia Charvet-Almeida đại diện. Một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự tập trung vào các hoạt động nhằm bảo vệ  loài cá mập. Nhóm chuyên gia về cá mập đã hỗ trợ việc xác định những loài cá mập chính cần được đưa vào Công ước, đồng thời khuyến nghị các bên cải thiện việc thu thập dữ liệu, quản lý và bảo tồn đối với loài này bao gồm cá đuối gai độc nước ngọt, cá đao, cá đuối lưỡi cày và cá mập đầu búa.

Một cuộc hội thảo về cá đuối gai độc nước ngọt đã được tổ chức và cũng tại hội thảo này người ta đã thảo luận về sự thiếu hụt dữ liệu về tình trạng khai thác thương mại từ nhiều vùng khác nhau. Các bên được yêu cầu lưu ý vấn đề này và cân nhắc việc thực thi hoặc tăng cường quy định của quốc gia để giải quyết vấn đề.

Một vấn đề khác được thảo luận trong chương trình có liên quan tới cá mập là việc đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý như đã từng được nêu trong một bản báo cáo của Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã quốc tế (TRAFFIC). Hội nghị đã thống nhất rằng việc đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý là một vấn đề quan trọng và những số liệu sát sao cùng việc theo dõi các sản phẩm đánh bắt một cách chặt chẽ hơn là rất cần thiết.

Một số loài khác cũng đã được đưa ra thảo luận và đưa vào Review of Significant Trade, nghĩa là mức độ mua bán sẽ được ban thư ký Công ước điều tra sâu hơn để đảm bảo rằng tác động của thương mại lên các loài này không quá lớn, từ đó sẽ giảm việc mua bán để bảo tồn.

Hai loài sếu đầu xám và sếu đầu đen của Châu Phi (Balearica regulorum và Balearica pavonina) cũng được đưa vào Review of Significant Trade sau khi thành viên của Nhóm chuyên gia về Sếu chứng minh lượng sếu được mua bán ngày càng tăng trong khi số lượng loài này đang giảm dần.

Cá tầm Beluga cũng được đưa vào Review of Significant Trade chủ yếu bởi vì các quốc gia xuất khẩu chính chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin mà Hội nghị lần trước đưa ra.

Cuối cùng, Ủy ban Động vật đã xem xét văn bản do ban thư ký soạn thảo về các đề xuất sử dụng và quản lý hải sâm một cách bền vững. Văn bản đã được thông qua cùng với khuyến nghị rằng nó sẽ được xây dựng kĩ lưỡng hơn nữa dựa trên những thông tin bổ sung từ Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và sẽ được trình lên Hội nghị của Liên hiệp quốc ở Copenhaghen vào cuối năm nay.