Nghề nuôi cá tra lại gặp khó

Hiện nay, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp có hơn 200 hộ nuôi cá tra nguyên liệu đang "treo ao" nghỉ nuôi. Nguyên do là ngân hàng thắt chặt vốn vay, nuôi cá khó bán và bán lỗ. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang trong tình cảnh như ngồi trên lửa…

Anh Trương Huỳnh Đức, người nuôi 1ha cá ở Cồn Sơn – Bình Thuỷ Cần Thơ cho biết, gần đây, nhất là thời điểm cuối tháng 05/2008 giá cá tra cứ sụt liên tục. Hiện nay cá tra loại 1 doanh nghiệp thu mua 14.000 đồng/kg, cá loại 2 thì 13.800-13.6000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi cá bị lỗ đậm từ 1.000-1.500 đồng/kg. Vì hiện nay giá thức ăn đã lên đến 8.000-9.000 đồng/kg, tuỳ vào độ đạm. Để có 1kg cá tra nguyên liệu người nuôi phải đầu tư khoảng 14.000-15.000 đồng, bao gồm cá giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, lãi suất vay ngân hàng, công sức…

Anh Đức nói: “Người nuôi cá như ngồi trên lửa, vì vậy đừng hỏi tại sao ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp người nuôi cá bán xong “treo ao” nghỉ luôn”.

Nuôi cá tra: “Thua” nhiều hơn “ăn”

Còn anh Nguyễn Văn Thanh, người nuôi 2ha cá tra ở Cù Lao Tân Lộc, Thốt Nốt Cần Thơ cũng than vãn: “Người nuôi cá tra bây giờ mạo hiểm như đánh bạc năm ăn, năm thua, nhưng thua nhiều hơn. Nếu có vốn nuôi 1ha cá tra vào thời điểm này, lời chỉ vài chục hoặc 100 triệu đồng, nhưng nếu gặp lúc cá xuất bán, chỉ khoảng 14.000, có thể lỗ đứt 100-200 triệu đồng”.

Chưa bao giờ người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt khó khăn như hiện nay. Giá thức ăn thuỷ sản tăng cao, giá con giống tăng lên, lãi suất tiền vay tăng lên, nuôi xong giá cả rẻ như bèo, bán dưới mức đầu tư. Ngặt nghèo nhất là có cá bán đến lứa mà doanh nghiệp không thèm mua. Trong khi ngân hàng siết nợ do đến hạn, người bán thức ăn cũng đòi tiền…

Tại An Giang, Đồng Tháp tình hình người nuôi cá tra gặp khó đang diễn biến khá trầm trọng.

Theo Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 120 chủ nuôi cá tra với diện tích 113ha, sau khi bán cá đã “treo ao” nghỉ thả cá tra nuôi lại theo như thông lệ trước đây.

Nguyên nhân chính là giá thức ăn tăng cao, ngân hàng hạn chế cho vay nuôi cá lãi suất vay cao quá, và khi nuôi cá muốn bán cũng không có doanh nghiệp mua, mua với giá thấp, bán lỗ… áp lực ngày càng đè nặng lên vai người nuôi cá tra.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết: “Tại An Giang hiện nay có khoảng hơn 100 hộ nuôi cá tra sau khi bán cũng đã “treo ao”, ngưng thả nuôi, vì sức ép của tiền tệ, cụ thể ngân hàng cho vay hạn chế, hoặc không cho vay thả cá, lãi suất quá cao, nuôi không lời, nuôi ra bán quá khó khăn. Với tình hình này có thể nhiều người nuôi sẽ bỏ nghề và vào những tháng cuối năm 2008 cá tra nguyên liệu sẽ khan hiếm do cung không đủ cầu”.

Do doanh nghiệp hay tại… ngân hàng?

Trao đổi với ông Bửu Huy, một người có nhiều kinh nghiệm và từng là Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Afiex – An Giang, ông Huy cho biết: Hiện nay giá cá tra xuống thấp, doang nghiệp (DN) không thu mua, tại sao? Trả lời câu hỏi này trước tiên phải nói xuất phát từ tiền tệ, ngân hàng.

Ngân hàng hạn chế cho vay, DN thiếu tiền mặt trong hoạt động kinh doanh, trong khi đó với lãi suất vay từ 18%/ năm, DN vất vả lắm mới tồn tại và phát triển. Nhiều DN chế biến cá tra ở ĐBSCL đang gặp khó khăn như nhau: Thiếu vốn mua cá, sản xuất kinh doanh, thanh toán tiền lương công nhân, vay tiền ngân hàng lãi suất cao, vay không được nhiều, mua cá dự trữ với lãi suất cao thì nguy cơ bị lỗ rình rập. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự đoán giá cá sẽ tăng nhưng thực tế giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang có khả năng giảm tiếp.

Giá cá tra hiện tại chỉ còn 13.600 đồng – 14.200 đồng/kg. Trong đó, lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong năm toàn vùng khoảng 1 triệu tấn, cá đến lứa thu hoạch khoảng 1kg/con tồn đọng nhiều do DN mua cầm chừng, nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30-40 % công suất. Trong khi đó, số cá cần tiêu thụ ở ĐBSCL khoảng 800.000 tấn/tháng làm cho lượng cá tra ngày càng ứ đọng.

Ông Danh cũng tiết lộ, Bộ NN-PTNT vừa cử người vào làm việc và sắp tới có thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo AFA để tháo gỡ, giải quyết khó khăn tài chính cho người nuôi cá và DN chế biến xuất khẩu con cá tra ĐBSCL. Hiện nay, các DN chỉ mua cá cầm chừng với giá thấp, một vài DN ép nông dân phải bán cá có điều kiện: Trả tiền chậm.

Một giám đốc DN chế biến cá tra ở Đồng Tháp cho biết: Tiền tệ, lãi suất, khó khăn về tài chính làm cho chúng tôi phải cân đo từng giờ từng phút. Mua cá sản xuất, chế biến là được rồi, lưu kho giá sẽ tăng là chuyện tất yếu, nhưng trước mắt thiếu tiền mặt, lâu dài lãi suất đẩy lên cao…

Hiện nay, hầu hết DN đang giải bài toán phát triển và tồn tại trong tình hình tài chính như dầu sôi lửa bỏng: Tung hàng lưu kho, sử dụng cá nuôi do doanh nghiệp đầu tư, tiết kiệm chi phí sản xuất, sử dụng vốn tự có, vốn huy động không phải vay qua hệ thống ngân hàng…

Về phía Ngân hàng, sau khi thay đổi khung lãi suất huy động từ ngày 19/05/2008, tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng từ quốc doanh cho đến ngân hàng thương mại cổ phần đều hạn chế cho vay, nhất là các khoản vay trung và dài hạn. Không chỉ các DN kinh doanh bất động sản mà ngay cả người vay nuôi cá, sản xuất hàng xuất khẩu thuỷ sản cũng bị từ chối khéo, vay hạn chế, lãi suất cao, phụ thu. Không chỉ ở Cần Thơ mà An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… những người nuôi cá, những DN chế biến xuất khẩu đang gặp khó từ chuyện tiền tệ.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần miền Tây Lê Nguyễn Trần Huấn cho rằng: Hiện nay mức huy động lãi suất tiền gửi cao nhất đã xấp xỉ 15%/ năm, trong khi đó cho vay cao nhất chỉ là 18%/năm. Lãi quá mỏng mà rủi ro cao, vì thế nhiều ngân hàng không muốn cho vay trung và dài hạn, chỉ cho vay ngắn hạn.