Cây nhiên liệu sinh học có nguy cơ trở thành loài xâm lấn

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo được công bố ngày 20/05/2008, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, các quốc gia nên tránh trồng các loài cây cung cấp nhiên liệu sinh học vì chúng có thể xâm lấn các cây trồng khác. Chương trình về các loài xâm lấn toàn cầu (GISP) cũng đã thừa nhận rằng, tất cả các loài hiện nay được trồng để cung cấp cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học đều có nguy cơ trở thành các loài xâm lấn.

Báo cáo về “Các loài cây cung cấp nhiên liệu sinh học và những loài không phải ngoại lai”, đã đề xuất “Chương trình giảm nhẹ rủi ro do sự xâm lấn thực vật”, nhằm kêu gọi các quốc gia phải đánh giá rủi ro một cách cẩn thận trước khi cho trồng các loài cây phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.

Chương trình này sẽ thúc đẩy các chính phủ trồng các loài nguy cơ thấp cho quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học và giới thiệu các biện pháp mới để quản lý các loài xâm lấn.

Sarah Simons, Giám đốc điều hành của GISP nói: “Nguy cơ từ các loài xâm lấn đối với thế giới là rất nguy kịch. Chúng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm biến mất các loài trên toàn cầu, chúng có thể đe dọa sinh kế và sức khỏe con người. Chúng sẽ phải mất hàng tỷ USD để có thể khống chế sự xâm lấn của chúng. Và chúng ta không thể đứng yên hay không làm gì trước nguy cơ này được”.

Người ta ước lượng rằng, cả thế giới sẽ mất khoảng 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm (khoảng 5% tổng thu nhập kinh tế toàn cầu) để đối phó với những nguy cơ từ các loài xâm lấn. Chỉ riêng nước Mỹ hàng năm đã mất đến 120 tỷ USD cho việc kiểm soát và khống chế hơn 800 loài xâm lấn khác nhau.

Ví dụ như những cây sậy khổng lồ (Arundo donax) một loài cây cung cấp cho sản xuất nhiên liệu sinh học đến từ vùng Tây Á đã xâm lấn một vùng rộng lớn ở Bắc và Trung Mỹ. Đó là một loài cây rất dễ bén lửa do đó nó làm tăng nguy cơ gây cháy – đe dọa cả con người và các loài bản địa như ở California.

Ở Nam Phi, loài sậy khổng lồ này được xem là một vấn đề nan giải của quốc gia khi hàng năm nó “uống” hết 2000 lít nước/m2 tại nơi mà nó sinh trưởng, trở thành mối đe dọa an ninh về nước sạch đối với người dân trên đất nước khô hạn này.

Người ta cũng cảnh báo rằng nhiều loài cây trồng cho sản xuất nhiên liệu sinh học có thể trở thành các loài xâm lấn nếu chúng được đưa đến trồng ở các vùng đất mới. Rất ít chính phủ có một hệ thống đánh giá rủi ro đáng tin cây để đánh giá các loài xâm lấn hay ngăn chặn chúng một khi sự xâm lấn xảy ra và các nước đang phát triển là những nước dễ bị tổn thương nhất.

Geoffrey Howard, Điều phối viên về các loài xâm lấn toàn cầu của IUCN đã nói: “Phòng thì hơn chữa. Chúng ta cần phải ngăn chặn sự xâm lấn trước khi nó xảy ra. Ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học là một ngành tương đối mới mẻ nên chúng ta có cơ hội để hành động trước, chúng ta không cần thiết phải vứt bỏ nó”.

Cây cọ dầu châu Phi là một ví dụ khác về sự tàn phá của các loài xâm lấn. Nó được xem là diesel sinh học và giờ đây nó đã xâm lấn một vùng rộng lớn trên đất Brazil, biến các vùng đất vốn trước đây là những khu rừng rậm rạp với nhiều loài cây khác nhau thành một vùng bao phủ toàn cây cọ dầu.

Một cuộc hội thảo do Tổ chức bảo tồn Đa dạng sinh học của Liên hiệp Quốc vừa được tổ chức tạo Bonn, Đức đã tuyên bố cơ hội tốt nhất trong một thập kỷ tới là toàn thể giới phải hành động để chống lại các loài xâm lấn.

GISP cũng đang kêu gọi các đại biểu phải nhận thức được những nguy cơ từ các loài xâm lấn và giới thiệu các phương pháp đánh giá rủi ro trước khi cho trồng các loài cây nhiên liệu sinh học. Họ cũng kêu gọi cộng đồng các nhà khoa học thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu về vấn đề này.