10 câu chuyện môi trường năm 2011

ThienNhien.Net – Tiếng nói của công chúng đã có ảnh hưởng tới chính sách môi trường của nhiều quốc gia, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và khí hậu ngày càng khắc nghiệt, dân số thế giới đạt mốc 7 tỷ người… là những câu chuyện môi trường được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2011. Hãy cùng nhìn lại những buồn vui về môi trường trong danh sách 10 sự kiện môi trường nổi bật nhất của năm 2011 theo đánh giá của trang web Mongabay và hy vọng vào một năm mới 2012 với nhiều tin vui hơn!

1.  Tiếng nói của cộng đồng đã được lắng nghe

Trong năm 2011, tiếng nói của người dân đã đạt được những thành công nhất định trong công tác bảo vệ môi trường trên cả bốn châu lục: phản ứng dữ dội của những người biểu tình Bolivia đã khiến chính phủ nước này phải từ bỏ kế hoạch mở đường qua khu bảo tồn Tipnis ở Amazon; chính phủ Myanmar đã đình chỉ một dự án thủy điện lớn do Trung Quốc đầu tư; ở Borneo, các nhà hoạt động xã hội cũng đã giành được thắng lợi sau 3 năm đấu tranh ngăn chặn việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than bên bờ biển vùng Tam giác San hô; chính phủ Anh phải hủy bỏ kế hoạch tư nhân hóa các khu rừng vì sự phản đối của cộng đồng; còn tại Mỹ, tổng thống Obama cũng đã đình hoãn kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL – dài trên 2.600 cây số có thể mang đá cát chứa dầu từ Canada vươn ra thị trường toàn cầu…

Một cô giá trẻ bị còng tay và bị bắt khi biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng đường ống Keystone XL. Trong vòng hai tuần, đã có 1252 người Mỹ bị bắt vì hành động này (Ảnh: Josh Lopez/Tar Sands Action)

2. Không còn nhiều thời gian cho cuộc chiến chống biến đối khí hậu

Nhiều chuyên gia và các nhà khoa học cho rằng 10 năm tới là cơ hội cuối cùng để con người chống lại biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù đã có nhiều cảnh bảo thiên tai thảm khốc sẽ gia tăng trong thập kỷ này nhưng những động thái của chính phủ các nước vẫn còn quá chậm chạp và thiếu kiên quyết. Trong khi đó, năm ngoái, lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu đã lên mức kỉ lục, tăng 6% so với năm trước đó.

Rõ ràng là đã đến lúc thế giới cần những hành động dứt khoát và kiên quyết hơn cho cuộc chiến ngăn chặn biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp cấp bách được khuyến cáo là ngăn chặn nạn chặt phá rừng và nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng chỉ riêng năng lượng mặt trời và gió đã có thể cung cấp 90% nhu cầu năng lượng của cả thế giới.

3. Indonesia nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng

Indonesia cuối cùng cũng thông qua lệnh cấm khai thác gỗ và chuyển đổi đất làm đồn điền tại các khu vực đầm lầy và những khu vực rừng nguyên sinh. Tuy còn chưa đủ mạnh như mong đợi, nhưng dù sao việc thông qua lệnh cấm này cũng đã thể hiện những nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng của tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, tác giả của sáng kiến 7/26, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%/năm và cho tới năm 2020 sẽ giảm được 26% lượng khí nhà kính phát thải.

Thêm vào đó, chính phủ Indonesia cho hay họ sẽ “công nhận, tôn trọng và bảo vệ” quyền của những người sử dụng rừng truyền thống, bao gồm những người dân thiểu số bản địa – một động thái được các tổ chức xã hội dân sự tin tưởng sẽ là yếu tố quan trọng giúp giảm nạn phá rừng. Bên cạnh đó, các tổ chức môi trường cũng đã gây nhiều áp lực tới các công ty sản xuất giấy và bột giấy, các công ty có liên quan tới việc phá hủy các khu rừng nhiệt đới và vùng đất than bùn trên quy mô lớn ở vùng Sumatra.

Khu rừng cọ độc canh gần vườn quốc gia Gunung Leuser ở Sumatra, Indonesia.(Ảnh: Rhett A. Butler)

4. Thảm họa hạt nhân Fukushima 

Thảm kịch động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào hồi tháng 3 đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng và cướp đi sinh mạng của trên 15000 người dân nước này. Không dừng ở đó, trận động đất kinh hoàng này còn dẫn tới vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây ra thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất lịch sử kể từ sau thảm họa hạt nhân ở nhà máy Chernobyl. Khoảng 90000 người dân đã phải di rời sau vụ nổ. Theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều người chết vì ung thư do nhiễm phóng xạ.

Thảm họa này không chỉ ảnh hưởng tới nước Nhật mà còn lan ra toàn cầu, khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân và Đức là một ví dụ điển hình nhất với kế hoạch đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Một số chuyên gia cảnh báo rằng vụ nổ hạt nhân này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu và khuyến cáo thế giới nên giảm sử dụng năng lượng hạt nhân, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo để mang lại một cuộc cách mạng năng lượng xanh. Từ sau thảm họa này, Nhật cũng đã cam kết gia tăng triển khai nghiên cứu năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

5. Tê giác bên bờ vực tuyệt chủng

Năm nay, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã xác nhận sự tuyệt chủng của hai loài tê giác là: tê giác một sừng ở Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) và tê giác đen Tây Phi (Diceros bicornis longipes). Con tê giác cuối cùng của Việt Nam, một phân loài của tê giác Java, đã bị những kẻ săn trộm giết chết vào năm 2010, trong khi những con tê giác đen Tây Phi cuối cùng, một phân loài của tê giác đen, cũng đã bị giết ở Cameroon.

Ngoài ra, Nam Phi – tâm điểm của nạn săn trộm tê giác hiện nay – đã đạt kỉ lục mới về số lượng tê giác bị giết: tính đến cuối năm nay đã có khoảng 460 con tê giác bị giết, gấp đôi kỷ lục tê giác bị giết năm ngoái.

Sách Đỏ của IUCN xếp 3 trong 5 loài tê giác – loài tê giác đen, loài tê giác Java và loài tê giác Sumatran – vào loại cực kỳ nguy cấp. Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chứng minh sừng tê giác không có giá trị chữa bệnh ngoài những hiệu ứng giả khiến người bệnh yên lòng, thế nhưng tê giác vẫn đang bị sát hại để cung cấp cho thị trường chợ đen.

Cận cảnh tê giác một sừng bẫy camera ghi được ở Việt Nam trước khi cá thể tê giác cuối cùng bỏ mạng vì nạn săn trộm (Ảnh: WWF)

6. Rừng Brazil – những chuyện vui buồn

Brazil thông báo tỷ lệ mất rừng của nước này trong trong giai đoạn năm 2010 – 2011 đã giảm đến mức thấp nhất kể từ khi tình trạng mất rừng được ghi nhận hàng năm vào năm 1988, tiếp nối xu hướng giảm 3 năm liền. Tuy nhiên, niềm vui mà thông tin này mang lại đã không trọn vẹn bởi một diễn biến khác. Tháng 12, thượng viện Brazil đã bỏ phiếu tán thành việc sửa đổi hệ thống luật lâm nghiệp lâu đời của nước này, một sự sửa đổi được các nhà môi trường lo ngại rằng có thể châm ngòi cho nạn phá rừng nước này vì theo luật mới một số hình phạt, phí phạt với hành vi phá rừng sẽ bị giảm nhẹ…

Một sự kiện môi trường nổi bật khác của Brazil trong năm 2011 là quyết định tiến hành xây đập Belo Monte – một dự án thủy điện có thể chặn hầu hết dòng chảy sông Xingu hùng mạnh, khiến hàng nghìn người dân bản địa phải di dời. Vấn đề đáng lo ngại nhất là Belo Monte có thể trở thành tiền đề cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn hơn trong tương lai ở khu vực Amazon. Bên cạnh đó, các công ty Brazil vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án có thể gây ra nạn phá rừng trên diện rộng ở các nước khác trong vùng Amazon, bao gồm các dự án thủy điện, thăm dò năng lượng, phát triển công – nông nghiệp và giao thông.

7. Hạn hán và nạn đói ở Đông Phi

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm nạn hạn hán ở Đông Phi. Năm nay, nạn hạn hán đe dọa sinh mạng của hơn 13 triệu người – nước phải chịu thiệt hại nặng nề nhất là Somalia. Nạn đói đã buộc hàng trăm ngàn người Somalia phải di tán và cướp đi mạng sống của khoảng 30.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Mặc dù Đông Phi là khu vực thường xuyên gánh chịu tình trạng khô hạn, song theo nhận định của các chuyên gia, hạn hán ở vùng này đang ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Liên Hợp Quốc đã cảnh bảo rằng cuộc khủng hoảng lương thực ở nam Sudan và Niger có thể kéo dài tới năm 2012.

8. Năm thành công của nỗ lực bảo tồn cá mập 

Cá mập Carcharhinus longimanus, loài được liệt kê trong Sách đỏ của IUCN. Số lượng loài cá mập này ở vùng vịnh Mexico đã giảm 90%. (Ảnh: Peter Koelbl)

Về mặt bảo tồn động vật hoang dã, năm 2011 là năm của cá mập. Theo Sách Đỏ IUCN, một số quần thể cá mập đã giảm hơn 90% và gần 1/3 quần thể cá mập còn lại hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắt lấy vây. Tuy nhiên, năm nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong công tác bảo vệ cá mập.

Cuối năm 2010 thượng viện Mỹ đã thông qua luật cấm đánh bắt mập tại tất cả các vùng biển của nước này. Năm 2011, những khu bảo tồn xuất hiện nhiều hơn ở các nước như Honduras, Chile, Bahamas, và Tokelau. Đảo quốc Marshall đã thành lập khu bảo tồn cá mập lớn nhất thế giới với diện tích lớn hơn nước Mexico. Ngoài ra, một số nơi cũng đã cấm bán súp vây cá mập như Hawai (2010), Califolia (2011) và Đài Loan là nước châu Á đầu tiên áp dụng lệnh cấm này.

9. Thời tiết khắc nghiệt hơn

Năm qua cũng là năm chứng kiến nền thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Năm 2010, chúng ta đã chứng kiến đợt nắng nóng lịch sử ở Nga, hạn hán ở Amazon và lũ lụt kỷ lục ở Nam Phi và Pakistan. Năm nay, Thái Lan cũng phải trải qua trận đại hồng thủy tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Còn nữa, một cơn bão nhiệt đới cũng đổ bộ vào Philipines khiến hơn 1.000 người dân nước này thiệt mạng. Thêm vào đó, hạn hán ở khu vực Sừng Châu Phi khiến 13 triệu dân nơi đây rơi vào tình trạng khan hiếm thực phẩm và đẩy Somalia vốn đã không ổn định vào nạn đói, cướp đi sinh mạng hàng nghìn người dân. Hạn hán cũng đã ảnh hưởng tới Trung Quốc, trong khi lũ lụt xảy ra nhiều ở các nước Trung, Nam Mỹ và châu Á.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thì biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân góp phần làm thời tiết ngày càng xấu đi. Các nhà khoa học dự đoán thời tiết sẽ còn khắc nghiệt hơn và thiên tai sẽ thường xuyên hơn nếu trái đất tiếp tục nóng lên.

10. Dân số thế giới đạt mốc 7 tỉ người

Một cô bé ở Madagascar, nơi 70% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Do sự bùng nổ dân số, 45% dân số của Malagasy dưới 14 tuổi. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Vào cuối những năm 60, con số 3,5 tỉ người sống trên hành tinh này đã là một con số đáng kinh ngạc. Thế nhưng chỉ hơn 40 năm sau dân số toàn cầu đã tăng lên gấp đôi. Theo Liên Hợp Quốc, năm 2011 là dấu mốc 7 tỉ trái tim trên Trái Đất cùng đập. Con số 7 tỉ người còn đồng nghĩa với việc nhu cầu lương thực, quần áo, nhà cửa và giáo dục tăng gấp đôi so với trước năm 1970, cũng có nghĩa con người phải giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, tuyệt chủng hàng loạt, chặt phá rừng và nghèo đói trong một thế giới mà dân số không ngừng tăng.

Ngoài ra, áp lực đối với các hệ sinh thái trên Trái Đất –  từ đại dương sâu thẳm cho tới rừng Amazon xa xôi và những dòng sông băng ở Greenland – cũng nặng nề hơn. Con số 7 tỉ người đòi hỏi nhân loại gia tăng các giải pháp mới mẻ, sáng tạo, cấp bách và kiên quyết để giải quyết các vấn đề toàn cầu đi kèm với sự gia tăng dân số.