Quảng Bình xem xét nâng mức hỗ trợ bảo vệ rừng để bảo đảm đời sống người giữ rừng

Quảng Bình hiện là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về độ che phủ rừng. Để bảo vệ bình yên những cánh rừng tự nhiên bên dãy Trường Sơn, cán bộ, nhân viên giữ rừng gặp nhiều khó khăn và áp lực. Trong khi đó, chế độ chi trả cho người giữ rừng còn rất thấp và chậm.

Thảo luận tại hội nghị Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức ngày 1/12, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Quảng Bình Phạm Quang Ánh cho biết, qua nắm bắt tình hình từ Đảng bộ các công ty lâm-công nghiệp trên địa bàn cho thấy, thu nhập của cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng rất thấp, trả chậm, thậm chí họ còn bị nợ, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán đang rất gần nên áp lực giữ an toàn các cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ là rất lớn. Trong khi đó, với mức thu nhập quá thấp, nguy cơ người giữ rừng bỏ việc đã và đang xảy ra.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, theo quy định chung hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng bảo vệ rừng tự nhiên mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, đối với tỉnh Quảng Bình áp dụng hiện là 200.000 đồng/ha/năm là thấp so với thực tế công việc giữ rừng nhiều áp lực và rủi ro hiện nay.

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí để thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 cho các địa phương, đơn vị, trong đó tỉnh Quảng Bình được phân bổ 50.330 triệu đồng. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính phân bổ theo hướng nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/ha/năm để nâng mức thu nhập cho người giữ rừng”, đồng chí Trần Hải Châu nói.

Được biết, cùng với các Ban Quản lý rừng phòng hộ cấp huyện thì ở Quảng Bình còn có 2 công ty lâm công nghiệp là những đơn vị dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ nên được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên. Trong khi áp lực bảo vệ rừng ngày càng lớn nhưng kinh phí bảo vệ rừng cấp chậm và trả ở mức thấp đã làm cho đời sống của khoảng 300 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng tại Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn.