Dịch COVID 19 sáng 18/8: Thế giới ghi nhận 22 triệu ca nhiễm

Tính đến 7h ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22.035.261 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 776.830 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22.035.261 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 776.830 ca tử vong.

Hơn 14,7 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi hơn 6,4 triệu ca đang được điều trị, trong đó hơn 62 nghìn ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Hiện Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với 5.611.150 ca nhiễm và 173.688 ca tử vong, sau đó là Brazil với 3.363.235 ca mắc và 108.654 ca tử vong.

Hong Kong phát hiện một ca tái dương tính sau 4 tháng hồi phục

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), ngày 17/8, Trung tâm bảo vệ sức khỏe (CHP) Đặc khu hành chính Hong Kong cho biết một bệnh nhân từng mắc COVID-19 đã hồi phục cách đây 4 tháng, sau chuyến đi nước ngoài trở về Hong Kong đã tái dương tính với virus SARS-Cov-2.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 15/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo CHP, bệnh nhân là nam giới, 33 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, được xác nhận mắc COVID-19 vào cuối tháng 3 và hồi phục vào tháng 4.

Đầu tháng 8, bệnh nhân đã đi du lịch Anh và Tây Ban Nha, ngày 15/8 trở về Hong Kong, được xét nghiệm tại sân bay, và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế Hong Kong tạm thời chưa thể xác định bệnh nhân này là tái nhiễm hay trong người vẫn còn mang virus.

Tiến sỹ Joseph Tsang Kay-yan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hong Kong, nhận định khả năng bệnh nhân tái nhiễm là cao hơn, vì không có khả năng virus SARS-CoV-2 lưu lại trong cơ thể từ 3 đến 4 tháng.

Ông Tsang cho biết khả năng tái nhiễm của các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục cũng đã được báo cáo ở Mỹ và Trung Quốc đại lục.

Trong cùng ngày, Hong Kong ghi nhận 44 ca COVID-19 mới, trong đó có 31 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở đặc khu này lên 4.524 người, trong đó có 69 bệnh nhân tử vong.

Chính quyền Hong Kong cũng thông báo các biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có lệnh cấm tụ tập từ 2 người trở lên và bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, sẽ được kéo dài đến ngày 25/8.

Thủ tướng Merkel: Đức vẫn đang kiểm soát tốt đại dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin (Đức), trong cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ngày 17/8, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định mặc dù tình trạng gia tăng số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức trong thời gian gần đây thật sự đáng lo ngại, song tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức, ngày 16/8/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ liên bang sẽ không đưa ra thêm bất cứ biện pháp nới lỏng nào đối với các quy định phòng, chống COVID-19 trên toàn quốc.

Bà cũng một lần nữa kêu gọi người dân bình tĩnh, không được chủ quan và cần tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách xã hội như giữ khoảng cách tại nơi công cộng, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn…

Đồng quan điểm với Thủ tướng Merkel, Chủ tịch CDU Annegret Kramp-Karrenbauer đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan chức năng và người dân Đức để sớm có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2.

Bà Kramp-Karrenbauer cho rằng cần ưu tiên đối với những biện pháp đảm bảo an toàn nhất có thể dành cho các trường học và nhà trẻ ở Đức.

Cũng theo Chủ tịch CDU, nền kinh tế nước này cần phải được hỗ trợ thêm để tránh xảy ra tình trạng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Theo bà, một trong những biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất là mở rộng chương trình giảm giờ làm việc cho người lao động (Kurzarbeit).

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những ý kiến của Chủ tịch CDU, đồng thời cho biết bà và thủ hiến 16 bang của Đức đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào tuần tới để thảo luận về tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, cũng như trao đổi cách đưa ra các quy định nhất quán trên toàn quốc trong công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Philippines nới lỏng lệnh phong tỏa

Ngày 17/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa ở khu vực trong và xung quanh thủ đô Manila sau khi chính phủ của ông cam kết triển khai cách tiếp cận “tái tăng cường” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong đó có nỗ lực mở rộng công tác xét nghiệm.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Duterte cho rằng cần phải mở cửa trở lại nền kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa “hồi sinh chút ít”, đồng thời kêu gọi người dân Philippines “tuân thủ các biện pháp bảo vệ.”

Philippines, từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á trong thời gian trước đại dịch, đã rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên sau 29 năm với mức sụt giảm kỷ lục trong quý 2/2020 do lệnh phong tỏa liên quan đến COVID-19.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte – ông Harry Roque tuyên bố Chính phủ Philippines sẽ sử dụng khoảng thời gian 2 tuần để “tái tăng cường” và “khởi động lại” các biện pháp ứng phó với đại dịch, cho phép nối lại hoạt động kinh doanh và thêm nhiều người trở lại với công việc.

Theo các quy định được nới lỏng, sẽ có hiệu lực từ ngày 19/8, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, sẽ được phép mở cửa trở lại. Các cơ sở tôn giáo cũng sẽ được phép tổ chức các hoạt động cầu nguyện với tổng số người tham gia tối đa là 30% sức chứa của tòa nhà.

Ông Roque cho hay Chính phủ Philippines “sẽ mở rộng công tác xét nghiệm,” tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm tra tại nhà để truy dấu những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng để có thể đưa những người này đến các trung tâm cách ly.

Bolivia ghi nhận hơn 100.000 ca mắc bệnh

Ngày 17/8, Bộ Y tế Bolivia công bố số liệu cho thấy tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mức 100.000 người, đồng thời dự báo tháng 9 sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 tại La Paz, Bolivia, ngày 23/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu hệ thống các bệnh viện thuộc Bộ Y tế Bolivia, ông Rene Sahonero cho hay nước này đang ở trong giai đoạn tăng mạnh các ca nhiễm mới, và ước tính tới cuối tháng 8, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên mức khoảng 130.000-150.000 người.

Quan chức y tế Bolivia cho rằng nguyên nhân của tình trạng gia tăng nhanh chóng số người nhiễm bệnh trên cả nước là do các cuộc biểu tình diễn ra trong thời gian qua liên quan đến quyết định trì hoãn thời điểm tổ chức tổng tuyển cử.

Tính tới nay, Bolivia – quốc gia Nam Mỹ có 11,6 triệu dân – đã ghi nhận tổng cộng 100.344 ca COVID-19, trong đó có 4.058 người tử vong.

Bộ trưởng Tài chính G7 thảo luận về biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 

Ngày 17/8, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp trực tuyến thảo luận về những thách thức liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và sự phối hợp giữa các nước này trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thời gian qua, các nước vẫn duy trì liên lạc thường xuyên và hợp tác ứng phó với đại dịch.

Về kinh tế, các bộ trưởng đã thảo luận về các biện pháp ứng phó đang được triển khai thực hiện ở quy mô quốc gia và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đã có sự cải thiện về tình hình kinh tế tại tất cả các nước G7.

Về dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã thảo luận về tầm quan trọng công tác hỗ trợ việc sản xuất, phân phối vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19, cụ thể là tại các nước có thu nhập thấp.

Ngoài ra, các quan chức đứng đầu ngành tài chính của G7 đã nhất trí thúc đẩy minh bạch thông tin dữ liệu công nợ và xem xét các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp, trong đó có biện pháp gia hạn nợ đến năm 2021.

Cùng với đó, các bộ trưởng cũng đã thảo luận về biện pháp nhằm hỗ trợ người dân Liban trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh, trong khi quốc gia Trung Đông này vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề do vụ nổ ở thủ đô Beirut hôm 4/8 vừa qua.

Ước tính, thiệt hại của vụ nổ này lên tới 15 tỷ USD. G7 gồm các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản.

Nguồn: