Điện gió cần định hướng phát triển rõ ràng hơn

Phân tích gần đây cho thấy Việt Nam có nhiều điều kiện đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi với tiềm năng trải dài 3.000 km bờ biển.

Công suất phát điện của Việt Nam hiện vào khoảng 54 GW và chính phủ dự định tăng gấp đôi con số này lên 130 GW trong thập kỷ tới. Trong đó, công nghệ điện gió ngoài khơi có thể là một phương cách hấp dẫn và khả thi để hiện thực hóa mục tiêu này.

Điện gió ngoài khơi chỉ chiếm 0,3% cơ cấu năng lượng toàn cầu. (Ảnh: AFP/Paul ELLIS)

Dựa trên phân tích nền và lập bản đồ tài nguyên, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam phát hiện rằng nếu được khai thác triệt để, năng lượng gió ngoài khơi có thể tạo ra công suất lên tới 160 GW.

“Việt Nam may mắn có đường bờ biển dài và tốc độ gió tốt. Do đó, tiềm năng kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi rất lớn và công nghệ có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm hàm lượng cacbon cho nguồn cung cấp điện của Việt Nam với các mục tiêu và khung chính sách phù hợp”, cố vấn cao cấp của DEA Erik Kjær chia sẻ.

Còn theo Liming Qiao, Giám đốc châu Á thuộc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, mặc dù không cần nhiều năng lượng như vậy trong một hệ thống năng lượng quốc gia đa dạng nhưng quy mô lớn sẽ khiến chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư có lý do để thúc đẩy công nghệ.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 3, TS. Hà Minh Dương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cũng chỉ ra con số 14,7 GW công suất năng lượng gió bao gồm cả trên bờ và gần bờ hiện đang vận hành hoặc được lên kế hoạch tại Việt Nam. TS. Minh cũng dự đoán 10 GW đến 12 GW công suất năng lượng gió ngoài khơi có thể hoàn thành vào năm 2030 tại Việt Nam, bằng khoảng 1/3 tổng công suất đã được lắp đặt trên toàn thế giới hiện nay: “Việt Nam bắt đầu sau Nhật Bản và Đài Loan nhưng có tiềm năng lọt vào top 5 về năng lượng điện gió ngoài khơi vào năm 2030”.

Công nghệ điện gió hiện vẫn trong giai đoạn thích ứng sớm với công suất lắp đặt chỉ ở mức 29 GW, phần lớn nằm ở Bắc Âu. Tại Đan Mạch, dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên được đưa vào nghiệm thu năm 1991 và phải mất hàng thập kỷ để công nghệ tiến bộ và khả thi về mặt kinh tế.

Nhưng giá thành xây dựng và vận hành các tuabin khổng lồ trên đại dương đang giảm nhanh. Khi các dự án được thực hiện ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn và sự trưởng thành của ngành sẽ giúp giảm chi phí hơn.

Mặc dù vẫn còn nghi ngại về tác động của bão trong khu vực tới các hoạt động ngoài khơi, tuy nhiên, độ ổn định cũng đang được cải thiện. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gió ngoài khơi ổn định hơn trên bờ, gần như ổn định quanh năm.

“Gió và các năng lượng tái tạo khác hiện là công nghệ hứa hẹn nhất trong việc giúp hoàn thành mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris. Chi phí năng lượng tái tạo đang giảm đáng kể và đây là thời điểm tốt nhất để năng lượng tái tạo đóng vai trò lớn hơn trên thị trường”, Liming Qiao cho biết.

Năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam dừng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch – yếu tố được xem là trở ngại lớn để đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu.

“Tôi nghĩ rằng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ cạnh tranh về mặt hiệu quả kinh tế với than hoặc khí đốt trong vòng 5 năm tới. Phần lớn của hiệu quả kinh tế là về tài chính và rủi ro và không có gì biến động hơn giá nhiên liệu hóa thạch”, TS. Dương Hà Minh phân tích.

Mặc dù có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, song Fitch Solutions đánh giá điện than hiện vẫn là lựa chọn thiết thực cho Việt Nam. Ngành này vẫn đang phát triển và khiến thành tích chống biến đổi khí hậu của Việt Nam khá nghèo nàn.

Điện gió ngoài khơi ở Blackpool, Anh. (Ảnh: REUTERS/Phil Noble)

Các cam kết về khí hậu hiện tại của Việt Nam bị tổ chức độc lập Climate Action Tracker đánh giá là “không hiệu quả” chủ yếu là do nhiên liệu hóa thạch đang giữ vai trò thống trị.

Tình hình còn trở nên tệ hơn bởi Việt Nam cần giải quyết tình trạng thiếu điện ngắn hạn. Một nền kinh tế đang tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu điện sẽ vượt xa nguồn cung vào năm tới, khi việc xây dựng các nhà máy điện đang chật vật giữ tiến độ.

Tuy vậy chính phủ Việt Nam có ý định rõ ràng về thực hiện lộ trình tương lai xanh hơn. Một tài liệu phát hành vào tháng 2 nêu bật sự dự định chuyển sang năng lượng tái tạo với tỷ lệ lên tới 20% vào năm 2030.

Con số này vượt quá năng lực các dự án điện gió có thể đáp ứng mục tiêu vào năm 2025 nhưng đây được xem một trong những lời kêu gọi cho tham vọng lớn hơn.

Các nút thắt lớn vẫn tồn tại trong lưới điện quốc gia Việt Nam vốn luôn trong tình trạng căng thẳng và kém linh hoạt. Chính những nút thắt này khiến năng lượng tái tạo khó bứt phá dù tiềm năng là rõ ràng.

“Các nhà phát triển sẽ tiếp tục chật vật với công suất lưới điện khá tệ của Việt Nam. Tăng cường lưới điện quốc gia và xác định những ưu tiên mang lại giá trị phù hợp cho năng lượng gió vào hệ thống… sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam để tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo”, theo Liming Qiao.

Việt Nam là một câu chuyện thành công hiếm hoi trong kiểm soát tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 4,5% lên 5,4% trong năm nay.

Điều này cho thấy các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo dù chịu tác động mạnh ở nhiều nơi trên thế giới do nền kinh tế suy thoái nhưng có thể vẫn khả thi trong thời gian tới tại Việt Nam nếu cơ sở hạ tầng quốc gia có thể gánh được.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) lưu ý rằng một ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi hoàn toàn sẽ chỉ phát triển mạnh với “các chính sách và mục tiêu dài hạn rõ ràng” và cả các cơ sở hạ tầng chuyên dụng như cảng, tàu và lực lượng lao động được đào tạo.

“Việt Nam có một điểm khởi đầu rất tốt cho việc này. Đây là một giải pháp sẽ được chứng minh trong tương lai”, Kjær nói.

Việt Nam đang hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó dự kiến chú trọng vào vai trò của năng lượng tái tạo trong những thập kỷ tới, và điều này giúp gợi mở định hướng rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư.

Thế Anh (Theo ChannelNewsAsia)

Nguồn: