Nhu cầu về y học cổ truyền châu Á thúc đẩy buôn bán các loài Mèo lớn

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức World Animal Protection, y học cổ truyền châu Á đang thúc đẩy thương mại quốc tế ngày càng tăng đối với các sản phẩm mèo lớn và dẫn đến việc ngược đãi hàng ngàn cá thể.

Xương, huyết và các bộ phận cơ thể khác của mèo lớn được chế biến thành các sản phẩm như dầu cù là, viên nang, gel và rượu – những thứ được các thầy lang châu Á tin rằng có thể chữa các bệnh từ viêm khớp đến viêm màng não, dù thực tế đã chứng minh không phải như vậy. Tuy nhiên, ngay cả trước khi bị giết, chúng đã bị đối xử theo cách như với các sản phẩm chứ không phải các sinh vật sống.

Báo cáo nêu rõ các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra “một ngành công nghiệp ẩn mình đang mở rộng và đầy béo bở, phải chịu trách nhiệm cho việc đối xử tệ với một số loài động vật hoang dã mang tính biểu tượng nhất trên thế giới”, và tuyên bố “hàng nghìn con thuộc loài mèo lớn, phần nhiều là sư tử và hổ, đang được nuôi trong điều kiện cực kỳ tệ hại, sau đó bị giao dịch cả hợp pháp và bất hợp pháp để cung cấp cho thị trường toàn cầu đầy béo bở về các sản phẩm y học cổ truyền châu Á”.

Trung Quốc và Nam Phi là những nước nuôi nhốt mèo lớn nhiều nhất thế giới. Chỉ riêng Trung Quốc ước tính có từ 5.000 đến 6.000 cá thể hổ trong các cơ sở nuôi nhốt, trong khi các cơ sở ở Nam Phi đang giữ từ 6.000 đến 8.000 cá thể sư tử và 280 cá thể hổ. Do các mối quan hệ cận huyết tại các cơ sở này, nhiều cá thể sư tử và hổ được sinh ra nhưng thiếu các chi.

Ảnh: World Animal Protection.

Dù đôi khi được bổ sung bằng những cá thể bắt từ tự nhiên, các trang trại mèo lớn ở Nam Phi chủ yếu nuôi theo kiểu “các cỗ máy sinh sản tốc độ cao”: các cá thể cái buộc phải sinh ra thêm bốn hoặc năm cá thể non so với trong tự nhiên.

Những cá thể non kết quả thường trải qua những năm đầu trong các trang trại nuôi thú cưng, và khi lớn hơn một chút, chúng thường phải tham gia trải nghiệm “đi bộ với sư tử” cùng khách du lịch. Sau nữa, chúng bị đưa đến các trang trại trò chơi để phục vụ những khách hàng sẵn sàng trả 15.000 USD cho mỗi lần săn giết.

Da và đầu mèo lớn được các thợ săn lấy làm chiến lợi phẩm, trong khi xương được xuất khẩu hợp pháp theo “hạn ngạch xương” độc nhất vô nhị của Nam Phi.

Các quốc gia khác liên quan đến buôn bán mèo lớn nhưng ở quy mô nhỏ hơn bao gồm Thái Lan – nơi ước tính có khoảng 1.500 cá thể hổ. Lào và Việt Nam cũng có các cơ sở nuôi số lượng sư tử và hổ thì ít hơn, đặc biệt Lào còn là điểm tiếp nhận và chế biến quan trọng cho xương sư tử từ Nam Phi.

Các nhà nghiên cứu của World Animal Protection cũng tìm thấy một số xu hướng đáng lo ngại ở đầu kia của chuỗi cung ứng.

Một cuộc khảo sát về thái độ của người tiêu dùng cho thấy hơn 40% người tiêu dùng Trung Quốc đã sử dụng các loại thuốc hoặc sản phẩm có chứa thành phần từ mèo lớn và hơn 55% người tiêu dùng thích các sản phẩm từ mèo lớn có nguồn gốc tự nhiên, 72% cho biết họ tin rằng các sản phẩm hoang dã tốt hơn nuôi nhốt.

Những con số ở Việt Nam cũng tương tự, 1/4 người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã như cao và rượu hổ cốt, hơn 80% tin rằng những sản phẩm này có tác dụng về y học mặc dù thiếu bằng chứng khoa học chứng minh. Khoảng 84% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ thích các sản phẩm mèo lớn từ cá thể bị bắt trong tự nhiên hơn.

Cũng có một số kết quả từ nghiên cứu thái độ của người tiêu dùng chỉ ra các giải pháp. 60-70% người Việt Nam và Trung Quốc được hỏi cho biết sẽ không mua các sản phẩm mèo lớn bất hợp pháp hoặc “có hại cho bảo tồn động vật”. Và khoảng 68% người tiêu dùng mèo lớn ở cả hai quốc gia cho biết sẽ sẵn sàng thử các loại thảo dược thay thế nếu rẻ hơn.

54% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng cách tốt nhất để giảm buôn bán mèo lớn là nâng cao nhận thức về sự tàn ác liên quan đến cách chúng được nuôi và bị giết. Hơn 30% người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng cần phải có luật nghiêm ngặt hơn và hơn 20% ủng hộ nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế.

“Những cá thể mèo lớn này được khai thác để lấy tiền và chữa bệnh trong khi y học thì không bao giờ chứng minh được chúng có bất kỳ đặc tính chữa bệnh nào”, tiến sĩ Jan Schmidt-Burbach, Cố vấn động vật hoang dã toàn cầu thuộc World Animal Protection, cho biết trong một tuyên bố.

“Những con vật này là những kẻ săn mồi đỉnh cao – chúng không phải là trò chơi, cũng không phải là thuốc. Mèo lớn là động vật hoang dã và chúng xứng đáng có một cuộc sống đúng nghĩa”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: