Nhiều loài thú rừng Tây Nguyên đã tuyệt chủng

Kiểm lâm sẽ lập danh sách các nhà hàng, quán ăn kinh doanh thú rừng ở Đắk Lắk để phối hợp truy quét, xử lý

Hưởng ứng ngày Thế giới Bảo tồn các loài hoang dã (4/12 hằng năm), ngày 2/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức chương trình “Hồi đáp tiếng kêu cứu của núi rừng: Tây Nguyên quyết tâm bảo vệ các loài hoang dã còn lại”.

Tuyên truyền cho… cán bộ

Theo WWF Việt Nam, từ hàng ngàn con voi hoang dã, giờ Tây Nguyên chỉ còn khoảng 70 con, sống co cụm trong Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Loài bò tót đẹp đẽ và dũng mãnh, từ hơn 4.000 con, giờ còn chưa tới 400 con trên toàn quốc. Hổ đã biến mất khỏi núi rừng nơi đây và các loài mèo lớn khác đang bị ráo riết săn lùng.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia WWF – Việt Nam, cho biết chỉ mới hơn 10 năm trước, Tây Nguyên là vùng được đánh giá có tính đa dạng sinh học bậc nhất trong 200 vùng đa dạng sinh học trên thế giới với nhiều loài động vật chỉ thị cho môi trường sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay các loài động vật hoang dã đã giảm sút nghiêm trọng. Trước đây, đi vào rừng thì có thể nhìn thấy, nghe tiếng của nhiều loài động vật nhưng hiện nay đến ếch nhái cũng khó thấy.

Con voi rừng bị sát hại trong Vườn Quốc gia Yók Đôn

Cũng theo ông Thịnh, loài tê giác ở Việt Nam có mặt khá nhiều nơi nhưng đến năm 2010, con tê giác cuối cùng tại VQG Cát Tiên đã bị sát hại. Chỉ 5 đến 10 năm trước, loài hổ có mặt nhiều nơi ở Tây Nguyên nhưng đến năm 2018 thì không tìm thấy dấu vết nào của loài này ngoài tự nhiên.

Còn theo ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tây Nguyên từng là ngôi nhà lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Dương của các loài động vật hoang dã. Vậy nhưng rất nhiều loài đã bị tuyệt chủng, đẩy tới nguy cơ tuyệt chủng.

Theo ông Tùng, ngoài cung cấp thịt thú rừng tại chỗ, Đắk Lắk còn là đầu mối xuất đi các địa phương khác nên cần thực hiện các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Theo đó, phân loại theo các nhóm để tuyên tuyền cho hiệu quả như nhóm du khách, nhóm dịch vụ ăn uống; thậm chí tuyên truyền cho cả cán bộ, công chức nhà nước.

Khởi động dự án bảo vệ thú rừng

Một trong những nguyên nhân chính khiến động vật rừng ngày càng cạn kiệt là tình trạng săn bắn, mua bán động vật rừng vẫn diễn ra phổ biến. Ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng không khó để tìm một quán thịt rừng “chính hiệu”. Nhiều nhà hàng, quán ăn bán thịt thú rừng tồn tại nhiều năm qua nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng triệt xóa.

Theo WWF Việt Nam, cuối tháng 10-2018, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khởi động dự án phòng chống săn bắt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã với tổng kinh phí hơn 860 triệu đồng do WWF tài trợ.

Dự án sẽ tập huấn kỹ năng cho cán bộ thực thi pháp luật của tỉnh Đắk Lắk về theo dõi thị trường buôn bán động vật hoang dã, thu thập và xử lý thông tin để báo cáo; hiểu biết về tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã ở Việt Nam và trên thế giới; nhận dạng các sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác, tê tê và phương pháp nhận dạng hình thái một số loài nguy cấp quý hiếm; hướng xử lý vi phạm trong lĩnh vực săn bắt, mua bán động vật hoang dã theo quy định pháp luật…

 Không bán nhẫn đuôi voi ở Buôn Ma Thuột

Ông Văn Ngọc Thịnh cho biết WWF sẽ hỗ trợ kinh phí, kỹ năng cho lực lượng kiểm lâm để thống kê các nhà hàng, nơi buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ động vật hoang dã để có những số liệu cụ thể. Từ đó hỗ trợ các lực lượng liên quan như kiểm lâm, công an, quân đội tổ chức truy quét các điểm nóng.

“Chúng tôi hy vọng những cam kết sẽ thành hành động cụ thể để TP Buôn Ma Thuột trở thành thành phố đầu tiên của Tây Nguyên không buôn bán các sản phẩm ngà voi, nhẫn lông đuôi voi và các loài động vật hoang dã” – ông Thịnh nói thêm.


Ông Đỗ Quang Tùng: “Rất buồn khi vừa hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột tôi đã nghe được câu chuyện một người gọi điện thoại rủ bạn đi ăn thịt rừng”.

Nguồn: