Quản lý giống vật nuôi phải theo 4 đời

Một trong hai nội dung được trình bày tại Quốc hội chiều 1-6 là dự án luật chăn nuôi. Vấn đề quản lý giống vật nuôi và xử lý chất thải trong chăn nuôi là những điều đáng lưu tâm.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sau khi làm rõ sự cần thiết của việc ban hành Luật Chăn nuôi thì cho hay trong Luật Chăn nuôi có chương 2 quy định về quản lý giống vật nuôi theo bốn mục.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình dự thảo Luật Chăn nuôi

Cụ thể có các quy định về bảo tồn, nghiên cứu, chọn, tạo giống vật nuôi; quy định về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, quy định về nhãn giống vật nuôi, quảng cáo giống vật nuôi…

Ngoài ra là quy định về xuất, nhập khẩu giống vật nuôi và các sản phẩm giống vật nuôi trên nguyên tắc tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu con giống không nằm trong các danh mục cấm và theo các quy định của Luật Thương mại năm 2005, các Hiệp định Việt Nam đã ký với quốc tế như WTO, các AFTA,…

Cuối cùng là quy định về khảo nghiệm, công nhận giống vật nuôi mới. Dự thảo được biên tập theo hướng giảm rõ các trường hợp phải khảo nghiệm, xã hội hóa khảo nghiệm. Dự thảo không quy định về hoạt động kiểm định vì đó là hoạt động của doanh nghiệp, không cần điều chỉnh bởi pháp luật.

Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Phan Xuân Dũng trình bày thẩm tra dự thảo Luật Chăn nuôi và thấy dự luật này là cần thiết

Thẩm tra về vấn đề này, UB KH-CN&MT của Quốc hội nhận thấy quy định như trong Dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, đáp ứng quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Góp ý thêm, uỷ ban này đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và tiếp thu một số ý kiến.

Chẳng hạn như việc phải quy định cụ thể, rõ ràng việc quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn.

“Quy định quản lý giống vật nuôi theo phẩm cấp khác nhau (giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ) để bảo đảm cung cấp con giống đạt chuẩn và chất lượng. Quy định rõ hơn việc quản lý giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, tiếp cận được những nguồn gen của các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhập khẩu từ nước ngoài”, Chủ nhiệm UB KH-CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nói.