Phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển Khu du lịch Hồ Thác Bà

ThienNhien.Net – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1853/QĐ-BVHTTDL phê duyệt nội dung Đề cương, nhiệm vụ của Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2030”.

Hồ Thác Bà, Yên Bái
Hồ Thác Bà, Yên Bái (Ảnh: chinhphu.vn)

Theo đó, không gian nghiên cứu lập quy hoạch Khu du lịch Hồ Thác Bà sẽ bao gồm: diện tích tự nhiên của hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái với diện tích khoảng 1.650km². Trong đó, diện tích vùng lõi dự kiến tập trung phát triển thành khu du lịch quốc gia khoảng 1.200ha (theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).

Hồ Thác Bà có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Trong lòng hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động có giá trị cảnh quan và tâm linh. Cùng với đó, khu vực Hồ Thác Bà là nơi hội tụ các giá trị về di tích lịch sử, bản làng văn hóa dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan.., văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống và các phong tục tập quán phong phú khác.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hồ Thác Bà được xác định là một trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch sinh thái hồ kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch thể thao nước và vui chơi giải trí.

Từ thực trạng và những yêu cầu phát triển, việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà đến năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm hướng tới triển khai thực hiện Luật Du lịch, cụ thể hóa các định hướng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng trung du và miền núi Bắc bộ và gắn kết với Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác liên quan.

Dự án quy hoạch sẽ góp phần tạo cơ sở quản lý đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch, cảnh quan môi trường, phát triển bền vững và bảo đảm quốc phòng an ninh; đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững cho khu vực Hồ Thác Bà nói riêng, toàn tỉnh Yên Bái và vùng Trung du, miền núi Bắc bộ nói chung.